Dân Việt

Nước mắt Ba Đồn

06/10/2010 06:25 GMT+7
(Dân Việt) - Tôi về đến Ba Đồn, Quảng Bình đêm 4-10 thấy nhà mạ đó mà không vô được, mênh mông là nước, không thấy đường đi. Chung quanh tối om, có lẽ mọi người đã sơ tán hết.
img
Người dân ở Bố Trạch, Quảng Bình sơ tán tránh lũ.
 

Tôi đến trọ gần chợ Ba Đồn, cái nơi 50 năm qua chưa từng biết đến lũ. Ngờ đâu 2 giờ sáng nghe tiếng la hốt hoảng, bước chân xuống đất thấy nước đã băng vô khi nào, chung quanh bà con bồng bế, dắt dìu nhau chạy như chạy loạn.

Trong ánh đèn pin loáng thoáng giữa màn mưa dày đặc, ông Ngô Văn Liên - Chủ tịch thị trấn Ba Đồn, hớt ha hớt hải giục dân quân vũ trang giúp đỡ người dân sơ tán. Trên đường chạy, tôi thấy ti vi, tủ lạnh bị nước đẩy dồn đống, hàng hóa từ chợ Ba Đồn trôi nháo nhào trong nước. Có phụ nữ vừa chạy vừa khóc "Thế là trắng tay rồi anh ơi!" - tôi đoán đó là một tiểu thương trong chợ Ba Đồn.

"Không ai ngờ lũ lên nhanh vậy. May chúng tôi đã dự liệu từ trước, cho sơ tán bớt dân chứ nếu để đến bây giờ chắc khó. Tuy vậy tài sản vẫn thiệt hại nặng lắm. Dân kinh doanh ở chợ Ba Đồn gần như mất hết" - vuốt nước mưa trên mặt, ông vừa thở vừa nói.

Cũng theo ông Liên, các thôn Đồng Trụ, Xóm Cau... nước đã ngập trên 2m. Trời tờ mờ sáng, tôi thấy trên quốc lộ IA, 12A xe bị kẹt lại hàng trăm chiếc, đứng nối đuôi hàng cây số.

Đến ngày 5-10, 35.000 nhà dân ở Quảng Bình đang bị ngập, 5 người chết, vẫn còn 200 tàu cá chưa vào được đất liền. Đã có 11 tàu bị nạn trên đường vào đất liền, số thương vong chưa xác định được.

Gặp được ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tôi mừng quá. Ông Ngọc trông phờ phạc sau hai ngày đêm "quần" với lũ. Ông nói, 34/34 xã, thị trấn của huyện chìm trong nước. Nặng nhất là 9 xã vùng nam của huyện, những nơi này nước ngập nhà dân đến mái. Hơn 6 vạn dân phải "tị nạn" trong các trường học, trụ sở, nhiều người đang ở trên mái nhà đói khát, lạnh lẽo, lo sợ. Lực lượng PCLB của huyện đang cố gắng tiếp cận những rốn lũ như Quảng Minh, Quảng Văn, Quảng Hải... nhưng thất bại. Trụ sở UBND huyện Quảng Trạch như một bến thuyền, nước dâng mênh mông, chỉ thấy toàn ghe thuyền, ca nô vào ra.

Tôi theo đoàn cứu trợ của huyện về Quảng Hải. Ngồi trên ca nô thấy nước lũ đục ngầu băng băng chảy tràn qua xóm làng, khắp nơi xơ xác, tiêu điều. "Không biết đến bao giờ bà con nơi đây mới khôi phục lại được nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng. Cơn lũ khủng khiếp quá" - một người xót xa.

Ca nô nhích từng bước tránh những cây cổ thụ bật gốc trôi vun vút, những xác trâu, bò, heo lao phăng phăng. Tôi nhìn thấy những con trâu chưa chết cố gượng lại dòng nước đang cuốn nó đi, thỉnh thoảng há miệng rống lên một tiếng tắc tị cầu cứu. Đến trưa đoàn chúng tôi đến được Quảng Hải, như vậy đã "nối" được một xã cô lập trong vùng rốn lũ.

Tại trường THCS xã, nơi có hơn 100 người dân đang tránh lũ, tôi gặp Hoàng Hải Anh, lớp 7. Em ôm mấy gói mì tôm cứu trợ mà òa khóc: "Hai hôm ni, cháu chưa có chi bỏ bụng. Nhưng không biết đói vì lo quá. Chỉ mình cháu chạy được, không biết ba mẹ thế nào rồi. Chắc nhà cháu cũng đã sập...". Nghe Anh nói tự dưng tôi giật thót trong bụng, ba mẹ tôi bây giờ không biết ở đâu?