Anh Hoàng Kim Hoàn - Bí thư Đoàn xã Xuân Long cho biết, nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, những thanh niên một thời lang bạt đi kiếm ăn nơi đất khách quê người giờ đã là ông chủ của vườn rừng, trại chăn nuôi... ngay trên đất quê nhà.
Anh Hợp với mô hình nuôi ba ba thu hàng trăm triệu đồng. |
Rừng xanh…
Là xã đặc biệt khó khăn, bao đời nay cuộc sống của người dân xã Xuân Long chỉ trông vào vài sào ruộng cằn cỗi và việc lên rừng hái măng, săn bắn, chặt gỗ... Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, không có việc làm, thanh niên xã kéo nhau vào Nam, ra Hà Nội kiếm sống. "Hai thằng nhà tôi cũng đi, ruộng nương không ai làm, đám cưới đám xin không có một thanh niên đến giúp. Mọi công việc đều người già đảm nhận hết" - bác Thang Văn Tâm, một người dân trong xã, cho hay...
Dăm năm trước, Xuân Long vắng bóng thanh niên và những cánh rừng bạt ngàn trù phú đã biến mất... Với địa hình chiếm phần lớn là đồi núi, rừng mất, nơi đây gần như trở thành vùng đất "chết"...
Như một cơn mưa lớn sau những ngày khô hạn, năm 2006 nhân có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, 16 thanh niên đầu tiên trong xã đã xung phong, vay vốn rồi lao vào “công cuộc” vực lại màu xanh của núi rừng quê hương. Sức trẻ cộng thêm sự cần cù sáng tạo, những thanh niên ấy đã nhanh chóng tô lại những màu xanh ngát trên cánh rừng trơ trọi ngày trước. "Ngay sau khi nhận được vốn Ngân hàng CSXH, anh em đã nhanh chóng lên rừng triển khai trồng cây. Đất tốt nên cây lớn rất nhanh, chẳng mấy chốc mà hàng chục ha đã được phủ kín bởi cây keo và bồ đề" - anh Hoàng Kim Hoàn kể.
Đời xanh
Nhìn những cách rừng bạt ngàn keo lai và bồ đề ở Xuân Long, chúng tôi thật sự thích thú khi biết phần lớn những diện tích rừng đó là của những ông chủ trẻ tuổi. Những con suối một thời khô cạn vì mất rừng nay đã róc rách trở lại, tiếng chim rừng lại rộn rã vang lên. "Nhờ làm vườn rừng mà cuộc sống của 16 thanh niên khá lên trông thấy. Nhiều người đã mua được xe máy, sắm tiện nghi sinh hoạt gia đình đắt tiền" - anh Hoàn nói.
Hoàng Kim Hoàn - Bí thư Đoàn xã Xuân Long
Những thanh niên một thời lang bạt khắp chốn không một đồng vốn trong tay nay đã trở thành những ông chủ lớn, như anh Hà Văn Mạnh với hơn 30ha vườn rừng và 18 con bò; anh Hoàng Văn Thắng, anh Lê Công Trình mỗi người có hơn chục ha rừng và gần chục con trâu, bò; anh Thang Quang Mơ - Phó Bí thư Đoàn xã có gần chục ha keo lai và bồ đề; anh Hoàng Kim Hợp thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi ba ba...
Từ 16 thanh niên ngày đầu, đến nay xã đã có hơn 50 thanh niên vay tiền Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế với số vốn hơn 600 triệu đồng, diện tích rừng trồng lên đến hàng trăm ha. Trung bình mỗi 1ha keo lai và bồ đề cho thu từ 30-40 triệu đồng. Làm một phép tính nhân đơn giản với diện tích rừng mà các thanh niên này đang sở hữu sẽ cho một khoản tiền không nhỏ.
"Nếu không có vốn của Ngân hàng CSXH, chúng tôi khó có thể thực hiện được mơ ước là làm giàu trên quê nhà" - anh Thang Quang Mơ tâm sự. Anh Hoàng Kim Hoàn bày tỏ: "Lập nghiệp tại quê nhà sẽ giúp cho các thanh niên không có bằng cấp ổn định cuộc sống và có được vốn liếng lâu dài. Hiện nay rất nhiều thanh niên còn có nhu cầu vay thêm nhưng nguồn vốn của ngân hàng còn hạn chế"...
Triệu Huấn