Dân Việt

Chặt tay, rạch cơ thể, cắn chảy máu để... giải sầu

27/11/2010 20:24 GMT+7
Các ca tự làm tổn thương mình tới bệnh viện ngày một nhiều. Các em thường tìm cảm giác mạnh như cắt tay, chân, rạch cơ thể. Một số trẻ thì thường xuyên đập đầu vào tường, sàn nhà, kính, dứt tóc, cắn tay đến khi chảy máu.
img
 

Buồn chán chuyên gia đình, tự chặt tay

Nguyễn Văn H. (20 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình khá giả, bố làm trưởng phòng đối ngoại, mẹ làm kế toán, bố mẹ thuê mọi dịch vụ để chăm sóc cậu con quý tử.

H. ngày càng chán nản, cứ đi học về cậu lại lên cửa phòng đóng chặt và ngồi bên chiếc máy tính, chán chơi game, cậu lại vào các diễn đàn dành cho teen, bố mẹ cậu cũng chẳng để ý cậu đi ngủ lúc mấy giờ. Khoảng cách giữa H. và bố mẹ chỉ cách vài bước chân nhưng cậu cảm thấy còn xa hơn vài trăm cây số.

Cậu bắt đầu đua đòi với một số đứa bạn sống theo cảm xúc, ban đầu với H. chỉ là những cái rạch tay nhẹ cho máu ứa ra, cái cảm giác hơi đau rát làm cậu thấy vui, nhìn những giọt máu đỏ tươi của mình, H. mới biết mình là một sinh vật sống. Dần dần H. tìm đến cảm giác mạnh hơn. Cậu cầm con dao và chặt đứt ngón tay trỏ của mình. Khi bố mẹ cậu phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn.
 

Gia đình đã đưa H. đi cấp cứu, sau khi lành vết thương ở ngón tay, cậu được chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần, Hà Nội điều trị tâm lý vì lúc nào cậu cũng thấy chán đời và muốn tìm cảm giác mạnh hơn nữa là tự sát. Nhìn gương mặt xanh xao, gày đét của H, ít ai nghĩ rằng cậu là một quý tử con nhà giàu. H. than thở, cậu thấy chán xã hội này, nhiều khi chìm trong game cậu thấy thèm cuộc sống trong đó. Khi hỏi đến bố mẹ cậu chỉ im lặng không nói gì.

Trước đó, Bùi Thị N. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phải nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, trong tình trạng tâm lý bất ổn, N. không tin vào bất cứ điều gì và cho rằng chẳng có ai hiểu mình. Để giải tỏa bức xúc của tâm lý, N. đã cứa tay mình tìm cảm giác đau đớn để quên đi nỗi buồn. Gương mặt xinh xắn của N. được che khuất bởi một mái tóc ép thẳng, chải ngôi lệch một bên. N. luôn tự nhận mình là một emo.

Mẹ N. với nét mặt lo lắng và khẳng định đã chu cấp mọi thứ cho con mình, cô bé cũng giống như bao đứa trẻ mới lớn khác, thích mua sắm, xem phim, ca nhạc, cười và khóc…. Mẹ N. không hề hay biết con mình rất cô đơn và luôn muốn thể hiện cá tính của mình, giữ chặt cái “tôi”.

Hội chứng thích cảm giác mạnh
 

Theo TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, trẻ có chứng tự làm tổn thương mình đến khám tại bệnh viện ngày một nhiều. Các em thường tìm cảm giác mạnh như cắt tay, chân, rạch cơ thể. Một số trẻ thì thường xuyên đập đầu vào tường, sàn nhà, kính, dứt tóc, cắn tay đến khi chảy máu.

Bác sĩ Trần Thị Thu Hồng Phó khoa Lâm sàng của bệnh viện cho biết trào lưu "giải sầu" của giới trẻ này được gọi là xu hướng emo. Emo là viết tắt của “emotional hardcore”, ban đầu là một thể loại nhạc bắt nguồn từ sân khấu hardcore của Washington D.C vào giữa những năm 80, sau dần được chuyển thành cách ăn mặc, rồi hình thức bên ngoài, lẫn bên trong, trở thành một trào lưu sống dựa theo cảm xúc.

Trên thực tế, những fan của emo thế hệ mới là những cô cậu bé tử tế, họ bắt chước cách thể hiện nỗi buồn của những người theo trường phái thích thể hiện sự khổ sở. Đó không phải là điều gì khác ngoài những cảm xúc lộn xộn của lứa tuổi thiếu niên.

Nhiều học sinh tuổi teen Việt Nam biến emo thành thứ tín đồ của cắt tay hành xác, bỏ bê học hành, có khi chỉ vì tâm lý hiếu kỳ, bắt chước, học đòi, thích gây chú ý để được nổi bật chứ chưa chắc đã hiểu emo là gì. Nếu văn hoá emo chỉ là thứ gì đó giống với đam mê âm nhạc thì không quá nghiêm trọng. Còn nếu ai đi xa hơn, người đó có vấn đề. Tự làm đau mình thường là những người thích tự tử, một hiện tượng đáng báo động của căn bệnh trầm cảm.

Hầu hết những teen tự cho mình là emo cho rằng mình có nhiều cảm xúc trước một số sự việc nhưng không thể chia sẻ cùng bố mẹ, người thân, chỉ có thể chia sẻ với người cùng tâm trạng, hoặc ôm giữ cho riêng mình. Chẳng hạn: giận dỗi vì bị bố mẹ la mắng, buồn chán hoặc bị cấm yêu … Emo có thể rất ghét bố mẹ và cực kỳ tuyệt vọng.

Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia tâm lý đều khuyến cáo các vị phụ huynh dù bận đến mấy cũng nên dành thời gian quan tâm chia sẻ tình cảm với con nhiều hơn, để con tin cậy và sẵn sàng chia sẻ tâm tư. Bố mẹ hãy là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, kiên quyết tẩy chay thái độ bất mãn từ phía con cái.

Theo Bee