Dân Việt

Cần cú hích cho ĐBSCL cất cánh

26/04/2013 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để khu vực này cất cánh.
img
 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001 – 2010 và đến nay đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để khu vực này cất cánh.

Nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phong Quang (ảnh)- Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về sự phát triển toàn vùng ĐBSCL trong thời gian tới…

Những thành tựu vượt bậc...

Thưa ông, vùng ĐBSCL thực sự có bước chuyển mình mạnh mẽ bằng nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Theo ông, nổi bật cụ thể nhất là những thành tựu gì?

- Hơn 10 năm qua, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Về cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản. Đến năm 2010, tỷ trọng khu vực I chiếm 39% (10 năm trước là 53,5%), khu vực II là 26% và khu vực III 35%.

Nông - lâm - ngư nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Giá trị toàn ngành tăng từ 56.292 tỷ đồng năm 2001 lên 101.000 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; thu nhập mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp từ 20,2 triệu đồng tăng lên 38 triệu đồng...

Hàng năm, xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu gạo trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Cùng với lúa gạo, thủy sản là ngành phát triển mạnh trong những năm qua. Hàng năm diện tích nuôi trồng thuỷ sản đều tăng, trong năm 2012, ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến 795.000 ha (tăng gần 600.000 ha so với 2001), trở thành vùng nuôi và đánh bắt thủy hải sản lớn nhất nước (chiếm 70% diện tích nuôi trồng và 58% sản lượng thủy sản cả nước).

Đi đôi với phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, ĐBSCL đẩy mạnh công nghiệp hóa. Công nghiệp được chú trọng phát triển, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng như về công nghiệp chế biến nông, thủy sản và bước đầu đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Giá trị công nghiệp tăng cao, đến năm 2010, toàn vùng đạt giá trị 156 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 18,8%/năm.

Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chiếm 26%. Qua 10 năm thực hiện NQ 21, ĐBSCL đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư ngành công nghiệp khí, điện như Trung tâm Khí - điện - đạm Cà Mau, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Nhà máy Điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm Nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, đến nay một số nhà máy đã đưa vào vận hành khai thác tạo ra một diện mạo mới cho cả khu vực.

img
Nơi thượng nguồn sông Hậu.

Thưa ông, dù đạt nhiều thành tựu to lớn, mỗi năm ĐBSCL đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định khu vực này vẫn còn nghèo khó, đặc biệt là trình độ dân trí vẫn còn thấp... Với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông có những định hướng gì để phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL trong những tới?

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được như trên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ thách thức mới. Kinh tế, văn hoá, xã hội còn nhiều mặt hạn chế. Về kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Mặt bằng học vấn của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu. Tay nghề lao động yếu và thiếu cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật cao.

Hiện nay, toàn vùng có 14 trường đại học, 1 phân hiệu, 27 trường cao đẳng, 35 trường trung cấp chuyên nghiệp; 12 trường cao đẳng nghề, 37 trường trung cấp nghề, 124 trung tâm dạy nghề, 170 cơ sở dạy nghề, so với các vùng, miền khác thì giáo dục đạo tạo vẫn là điểm nghẽn so với cả nước, tỷ lệ 130 sinh viên/vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 35,7% (trong đó qua đào tạo nghề là 28%).

Mạng lưới y tế công cộng, số giường bệnh bình quân trên đầu người, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân còn thấp so với bình quân cả nước.

“Chúng ta không nên để hạ tầng giao thông kém kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng”.

Để vượt qua những khó khăn trên, các địa phương trong vùng cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, từng địa phương cần tiếp tục điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương gắn với phát huy sức mạnh tổng thể của vùng, hình thành vùng kinh tế công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và phát triển công nghệ cao.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo các mô hình phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của từng địa phương cụ thể.

Ba là, phát triển mạng lưới y tế, nhất là tại cơ sở; thực hiện tốt chiến lược quốc gia chăm sóc khoẻ sinh sản; hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm, thu hẹp chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực thành thị và nông thôn, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số.

Năm là, phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời có các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Sáu là, tăng cường liên kết toàn diện trên các lĩnh vực giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; trong đó tập trung tổ chức tốt Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) hàng năm ở các địa phương trong vùng, theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL.

Phá lực cản từ giao thông

Thưa ông, vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông thuỷ - bộ ở ĐBSCL phát triển không đồng bộ giữa các địa phương, đây là một “rào cản” rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông cần làm gì để nhanh chóng tháo gỡ “nút thắt” này?

- Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không vùng ĐBSCL trong những năm qua đã được đầu tư đáng kể, các trục quốc lộ đã và đang được nâng cấp, các cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu đã được đầu tư... cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sân bay quốc tế Phú Quốc đã được khánh thành đưa vào sử dụng, một số công trình trọng điểm được triển khai sớm hơn kế hoạch đã đề ra.

Song, hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu để phát huy thế mạnh của vùng, một số công trình quan trọng có tính chất động lực phát triển vùng tiến độ thực hiện còn chậm, hệ thống cầu đường còn bộc lộ nhiều bất cập về tải trọng, lĩnh vực vận tải chưa phát huy được thế mạnh về điều kiện tự nhiên của vùng,... do đó, hệ thống cơ sở hạ tầng là một trong những “rào cản” lớn trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp của ĐBSCL đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Giá trị toàn ngành tăng từ 56.292 tỷ đồng năm 2001 lên 101.000 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; thu nhập mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp từ 20,2 triệu đồng tăng lên 38 triệu đồng.

Song việc phát triển hạ tầng giao thông của vùng cần vốn lớn và cần có quy hoạch tổng thể của toàn vùng. Vì vậy, cần có sự hợp tác, liên kết thực hiện của các địa phương vì lợi ích chung và chúng ta không nên để hạ tầng giao thông kém kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Do đó, cần có những giải pháp, cơ chế đặc thù nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL.

Đó là tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL; ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn vốn thực hiện các dự án, trong đó Nhà nước phải góp từ 30-50% vốn vào dự án, đồng thời thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn xây dựng hạ tầng giao thông bằng các hình thức BT, BOT, PPP...

Theo tổng thể quy hoạch phát triển vùng đã được phê duyệt xây dựng ĐBSCL đến năm 2020 tiếp tục là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Vậy, theo ông ngay từ bây giờ các tỉnh, thành ĐBSCL nên chú trọng, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?

- Mục tiêu từ nay đến năm 2020 là xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững...

Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa,xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,7% giai đoạn 2011 - 2015 và 8,6% giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2015, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm xuống còn 36,7%; công nghiệp - xây dựng là 30,4%, khu vực thương mại dịch vụ 32,9%; đến năm 2020 đạt tỷ trọng tương ứng 30,5%-35,6%-33,9%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 57,9 triệu đồng.

Để đạt mục tiêu này, phải khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, phát triển toàn diện, tiếp tục đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế biển, tập trung đầu tư vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau); xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng; Phú Quốc thành thành phố trực thuộc tỉnh, sau đó trở thành đặc khu hành chính - kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, có chính sách đặc thù thu hút, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước.

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục... Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo đó, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời đẩy mạnh chương trình hợp tác liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa vùng với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ… tạo ra nội lực, ngoại lực mạnh để phát triển vùng ĐBSCL nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn ông!