Nguy hiểm không kém là tài nguyên rừng, không hề và chưa bao giờ là vô tận, là vàng bạc. Rừng là thần hộ mệnh của giải đất hình chữ S nhiệt đới lại đang cần bảo vệ hơn bao giờ hết.
Làm thủy điện được quảng cáo là điều tiết hợp lý tài nguyên nước. Nhưng thực ra đang tạo ra khan hiếm nước dân sinh và lụt lội nguy hại. Những vụ kiện cáo “đòi nước” do thủy điện hớt tay trên ngày càng nhiều, phạm vi càng rộng, thường là ở cấp tỉnh hay liên tỉnh. Thủy điện An Khê – Ka Nak, Thủy điện Thượng Kon Tum được cảnh báo sẽ giết chết vùng hạ lưu và đặc biệt nghiệm trọng, Thủy điện Đăk Min đang bị 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đòi lại nguồn nước. Chỉ từ 2006 đến nay, 900 thủy điện lớn bé đã nuốt chửng gần 20.000ha rừng, trong đó có tới trên 7.500ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Một con số thống kê đáng giật mình: Để có 1MW điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, người ta phải hủy 16ha rừng!
Thủy điện là cần thiết và hữu ích cho nguồn điện và có lợi cho nông nghiệp nếu điều tiết khoa học và hợp lý. Nhưng khốn thay, thủy điện lại là siêu lợi nhuận cho nhóm lợi ích hay cá nhân, việc “điều tiết hợp lý” đang thực sự chỉ là giấc mơ giữa ban ngày! Bởi vì không ai tự giác nhường “lợi nhuận” béo bở cho người khác, không ai chịu hạn chế lòng tham. Tài nguyên thủy điện thực sự có giới hạn chứ không phải vô tận và đã đến lúc phải ngừng ngay hành động uống nước không trừ cặn với thiên nhiên. Nhà văn Pháp Honoré de Balzac trong tiểu thuyết Miếng da lừa (La peau de chagrin) kể lại số phận bi thẩm của một anh chàng được cho miếng da lừa ước gì được nấy, nhưng mỗi lần ước là miếng da thu lại một ít và khi miếng da co hết thì anh ta cũng tàn đời. Chúng ta đang mê muội cầm miếng da lừa khắc nghiệt ấy để làm thủy điện.
Hãy ngừng lại ngay các dự án thủy điện để tính toán lại tài nguyên nếu không muốn bị hủy diệt vì “miếng da lừa”!
Nguyễn Quang Thân