Bà Nguyễn Thị Mai - thành viên Ban tổ chức văn hoá chào mừng Đại lễ của huyện Hoài Đức cho biết: "Huyện tổ chức văn nghệ trong 10 ngày, 60% tự biên tự diễn. Nhiều lão nông tri điền ngày cầm cuốc, tối cầm cờ đi tập văn nghệ".
Tiết mục quan họ của nhân dân thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa, Đông Anh |
Diễn viên quần chúng Nguyễn Thị Lan ở thôn 5, xã Cát Quế, Hoài Đức, hồ hởi: "Ngày làm đồng, tối chúng tôi tranh thủ tập luyện. Tuy mệt nhưng chị em rất phấn khởi".
Để có tiết mục múa nón, vì không phải diễn viên, lại nhiều việc nên các chị tập mất một tháng, nhưng không ai nản. Chị Nguyễn Thị Đào ở thôn 9 tâm sự, tuy mất nhiều thời gian nhưng chị em vẫn sẵn sàng góp vui cùng quê hương.
Tại huyện Đông Anh, ngoài các chương trình của huyện, 100% số xã trên địa bàn đều có các sáng kiến riêng, trong đó có nhiều chương trình do bà con nghĩ ra. Thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa là một trong những cơ sở đi đầu, đã thực hiện tốt làm đường làng, ngõ xóm, xanh, sạch, trang hoàng đẹp chào mừng Đại lễ. Ngày 3-9, thôn đã tổ chức thành công ngày hội Văn hoá thể thao mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Trong gần chục hoạt động của huyện Đông Anh, có những sự kiện gây ấn tượng lớn như Liên hoan "Những cánh diều hoà bình" với 12 CLB diều lớn nhỏ từ nhiều tỉnh, thành... Ngày hôm nay 6-10, những cánh diều do chính các nghệ nhân - nông dân làm sẽ bay trên bầu trời Hà Nội. Đây là sáng kiến của các lão nông ở xã Kim Nỗ, Đông Anh.
Bác sĩ Hoàng Hữu Đốc năm nay đã 83 tuổi, là đội trưởng văn nghệ của thôn Nhồi Dưới phấn khởi: "Cá nhân tôi rất hào hứng, đã làm diều tham gia CLB". Ông bà Đốc đã trang hoàng nhà cửa, cuối tuần này con cháu tụ họp, cả nhà sẽ cùng liên hoan và đi xem diễu binh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Phòng văn hoá huyện Đông Anh cho biết: "Các hoạt động mới diễn ra 5 ngày nhưng các chương trình đã để lại dư âm rất lớn trong lòng nhân dân và khách thập phương".
Minh Nguyệt