Dân Việt

Thể thao VN: “Ăn xổi” đã… lành nghề

25/12/2012 13:42 GMT+7
Dân Việt - Những thất bại cay đắng của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt nói riêng trong năm qua và cả những năm trước, là hệ quả của cách làm “ăn xổi”, đầu tư dàn trải chỉ để thỏa mãn thành tích trước mắt.

Năm 2012 quả là một năm quá ảm đạm với thể thao Việt Nam. Trên đấu trường Olympic London, đoàn thể thao Việt Nam trắng tay, không có nổi lấy một tấm huy chương. Đáng nói hơn, sau những thất bại của các tuyển thủ Việt tại đấu trường này, người ta thấy một khoảng cách mênh mông về trình độ so với thể thao thế giới. 

Sẽ là không quá nếu như nói rằng có rất ít VĐV Việt tiệm cận được trình độ tranh chấp huy chương ở sân chơi này.

Trong khi đó, sự sa sút của bóng đá Việt còn đáng báo động hơn nếu như nhìn từ AFF Cup 2012. Không chỉ bị loại ngay từ vòng bảng, tuyển Việt Nam còn không thắng nổi dù chỉ một trận ở sân chơi khu vực này.

img
Thế mạnh taekwondo của TTVN đang tụt dốc không phanh

Đáng nói hơn, năm "thất bát" 2012 lại là hệ quả của những sai sót trong việc đầu tư, chuẩn bị của thể thao Việt trong nhiều năm, thậm chí là sai lầm của cách làm, quan điểm phát triển thể thao.

Nói một cách chính xác hơn, trong hơn chục năm qua, cứ sau mỗi kỳ ASIAD, Olympic thất bại, Thể thao Việt lại nhức nhối với những dấu hỏi liên quan tới tầm nhìn chiến lược, quá trình chuẩn bị lực lượng.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, cho biết: “Các nước thể thao phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều chấp nhận mất khoảng 20-30 năm để đào tạo thể thao trường học. Khi tích lũy đủ lượng thì họ mới có sự đột biến về chất.

Còn Việt Nam thì luôn làm theo kiểu mùa vụ, mang nặng bệnh thành tích và ít người dám hy sinh để đi tới cùng chủ trương của mình.

Nếu ai đó nói Thể thao Việt Nam không làm được thể thao trường học vì thiếu cơ sở vật chất, sân bãi… thì tôi xin nói rằng đó là ngụy biện. Ở rất nhiều môn, đâu cần phải hệ thống sân bãi gì ghê gớm, chỉ cần được luyện tập đều đặn, khoa học, bài bản là được.

Ở Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ 2, họ tan hoang thế nào nhưng đã có chiến lược, quyết tâm đầu tư thể chất cho lứa mẫu giáo, tiểu học từ năm 1950, để có được thành tựu như ngày nay. Tại sao Việt Nam không thể?”.

Các kỳ Hội khỏe Phù đổng, Đại hội TDTT toàn quốc vẫn diễn ra đều đặn chu kỳ 4 năm/lần, tốn kém nhiều tiền của nhưng có quá ít "ngọc thô" được phát hiện từ đây để đầu tư cho tương lai lâu dài. Hoặc nếu có phát hiện thì những gương mặt tiềm năng đều chỉ được đầu tư theo kiểu "ăn xổi", "chín ép" để phục vụ cho mục tiêu giành thành tích trước mắt, ở những đấu trường khu vực.

img
Khó trông chờ "kình ngư" Ánh Viên sẽ tỏa sáng ở ASIAD 2019

Về vấn đề này, cựu võ sĩ Nguyễn Văn Hùng-người từng thi đấu hai kỳ Olympic 2004, 2008, bày tỏ: “Thể thao Việt Nam đã đầu tư quá dàn trải. Những VĐV thi đấu nổi bật tại giải vô địch quốc gia thường được lấy lên đội tuyển để đầu tư theo kiểu “ăn xổi”, thỏa mãn thành tích SEA Games - giải đấu mà trên thế giới ít ai biết đến, rồi thôi.

Với điều kiện kinh tế của ta, VĐV không thể đòi hỏi có được sự trang bị “đến tận chân răng” như các nước khác, đặc biệt ở các môn Olympic. Nhưng chúng ta nên có kế hoạch phát hiện VĐV từ nhỏ, chuẩn bị bài bản, khoa học hướng tới đấu trường châu lục, thế giới”.

Bảy năm nữa, Việt Nam sẽ đăng cai ASIAD 2019, với cách làm "mùa vụ" như hiện tại, thật khó có hy vọng về sự đột biến thành tích.

HLV đội tuyển taekwondo Hồ Anh Tuấn cho biết: “Những năm qua, thể thao Việt thường chuẩn bị theo kiểu “chạy nước rút” 1-2 năm mỗi khi hướng tới SEA Games, ASIAD, Olympic. Để có thành tích tốt tại ASIAD 2019, chúng ta phải có kế hoạch dài hơi, tuyển chọn VĐV ngay từ bây giờ may ra mới kịp".

Mới đây nhất, theo yêu cầu của Tổng cục TDTT, ngành thể thao của 63 tỉnh, thành vừa báo cáo sơ bộ có 10.000 VĐV năng khiếu để chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 2019. Con số đó nhìn vào thì rất lớn nhưng để từ đó chọn ra được vài điểm sáng có thể mang về huy chương đã là may mắn lắm.

“Tôi nghĩ, con số 10.000 VĐV đó ở Việt Nam chỉ là năng khiếu nghiệp dư. Ở Trung Quốc, có khoảng 2 vạn VĐV năng khiếu tập trung hẳn hoi, được học hành đầy đủ và nhà nước chi 70% chi phí/người. Vậy mà theo tính toán của họ, trong số 2 vạn VĐV năng khiếu đó chỉ cho ra lò khoảng 5-7 VĐV có tài, có thể vươn tới đẳng cấp là những tấm huy chương vàng Olympic”, ông Chí cho biết.

Trước câu hỏi của Dân Việt về việc dự đoán trong số 10.000 VĐV năng khiếu nghiệp dư hiện nay, tới năm 2019, sẽ có bao nhiêu VĐV có thể cạnh tranh huy chương ASIAD, ông Chí nhận định: “Đánh giá sơ bộ, chỉ có 2 VĐV điền kinh chạy cự ly trung bình là có khả năng. Ngay cả Ánh Viên tôi cũng không tin, bởi với VĐV bơi lội khi đã 23-24 tuổi thì rất khó đạt thành tích cao.

Việc cần làm ngay của thể thao Việt Nam là phải xác định được các VĐV ở độ tuổi 15-17 có tiềm năng phát triển của từng môn để đầu tư, may ra mới kịp”.

(Còn tiếp)