Sơn La đang vào thời điểm sôi nổi nhất của hoạt động thu mua, chế biến những mặt hàng nông sản có số lượng lớn so với toàn vùng là: Ngô, cà phê, chè, sắn...
Không có lò sấy, nông dân Sông Mã (Sơn La) phải bán ngô nguyên bắp, chịu thiệt về giá cả |
Tổng sản lượng của các nông sản này lên tới hơn 1 triệu tấn/năm; trong đó riêng sản lượng ngô hạt đã trên nửa triệu tấn. Nếu cứ đơn giản lấy giá cả thị trường nhân với sản lượng sẽ ra một đáp án lý tưởng: Nông dân Sơn La không nghèo chút nào. Nhưng trên thực tế, người nông dân Sơn La đang chịu rất nhiều thiệt hại sau thu hoạch, tỷ lệ khoảng 17% trở lên.
Một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn sau thu hoạch của nông dân vùng cao Tây Bắc là bởi năng lực sản xuất của nông dân có mức độ phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu; giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất lạc hậu, quy trình sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng cơ sở yếu kém và sự điều tiết của tư thương.
Chỉ nói riêng cây ngô, mùa thu hoạch là thời điểm nông dân lo lắng nhất: Mưa ẩm ướt làm hỏng, mốc, mọt; nạn chuột bọ hoành hành; bán ngô không đúng thời điểm giá cao; đi lại khó khăn nên công vận chuyển lớn; mất điện làm giá sấy ngô lên cao...
Mỗi một cân ngô của người nông dân làm ra, riêng thua thiệt về địa bàn do giao thông cách trở đã có mức dao động từ 20-30% giá cả. Giá thuê sấy khô để ủ hàng đợi thời điểm tốt mất 3-5%, bán sai lệch thời điểm - giá thấp do nhu cầu tiêu dùng mất từ 10-25%...
Anh Nguyễn Bảy, lái xe tải chuyên chở ngô ở Thuận Châu, Sơn La, cho hay: Với thực trạng của những vựa ngô ở vùng sâu như: Chiềng Ngàm, Chiềng Khoang, Liệp Tè (Thuận Châu); Mường Cai, Mường Lầm (Sông Mã); Chiềng Lương, Phiêng Pằn (Mai Sơn)... ngô của nông dân dù bán ở thời điểm nào thì cũng bị chênh lệch so với giá ở vùng thuận lợi trên cùng địa bàn tới 10-30%. Nhất là với những vùng không có điện để sấy ngô, hay bị tắc giao thông do mưa lũ thì thiệt hại sau thu hoạch trên 30% nông dân cũng đành "vui vẻ"!
Trong điều kiện của tỉnh nghèo, kinh phí phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách T.Ư nên việc đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn của vùng cao Tây Bắc còn hạn chế, do vậy tình trạng tổn thất sau thu hoạch của nông dân sẽ còn dài dài. "Con đường duy nhất, nhanh nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại là tự mình vượt cạn" - đó là lời tâm sự của lão nông Trần Văn Khôn ở Mai Sơn, Sơn La.
---------------------
(Còn nữa)
Kiều Thiện