Ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng nông sản, như: Nhiễm aflatoxin đối với ngô, achrotoxin A đối với cà phê làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10 - 20%, rau quả và thuỷ sản đánh bắt bị tổn thất trên 20% cả về sản lượng và chất lượng.
Ông Lê Xuân- Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém nêu trên do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hoá nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức, năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản còn nhiều hạn chế, bất cập".
Năm 2007, Bộ NN&PTNT đã có "Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đỗ tương và lạc đến năm 2020". Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu giảm lượng tổn thất lúa xuống còn 5-6%, tăng tỉ lệ thu hồi gạo thành phẩm lên 69%; giảm lượng tổn thất ngô xuống còn 12-13%, đỗ tương 5,5%, lạc 4,5-5%....
Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu như: Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 50% vào năm 2020, trong đó khu vực ĐBSCL đạt 80%, chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5%....
Mặc dù đã có nhiều chính sách như vậy, song việc triển khai đến nay vẫn rất chậm trễ. Để giải quyết khó khăn trên, dự kiến, trong tuần này, Chính phủ sẽ phê duyệt chính sách thực hiện các mục tiêu trên, khi đó việc áp dụng các chính sách mới bắt đầu triển khai nhanh chóng hơn.
Ngọc Lê