Dân Việt

Địa phương thi nhau kêu khó

26/12/2012 10:47 GMT+7
(Dân Việt) - Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 đã diễn ra ngày 25.12 tại Hà Nội. Tại đây, các địa phương đã thi nhau kêu khó...

“Đầu tàu” cũng gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, lạm phát năm 2012 đã được kiềm chế, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế vẫn là vấn đề đáng lo ngại trong năm 2013, đó là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với kế hoạch, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI…

img
Kinh tế suy giảm khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Được ưu tiên lên tiếng trước tiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng của Thủ đô cũng giảm so với năm trước nhưng vẫn đạt mức cao hơn 1,5 lần so với tốc độ bình quân cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết, Nhà máy sản xuất ethanol với công suất 100.000m3/năm đáng lẽ đã đưa vào sản xuất từ năm 2011, khuyến khích người dân trồng sắn nhưng do thiếu vốn nên chưa thể tiến hành. Tình trạng này kéo dài càng khó khăn cho nông dân.

Nếu không phải thực hiện Nghị quyết 13 về giãn giảm miễn thuế, thu ngân sách sẽ được thêm 13.000 tỷ nữa, đạt chỉ tiêu được giao (hiện đạt 95%). Phó Chủ tịch UBND TP dự kiến, năm 2013, GDP của Hà Nội sẽ đạt 8-8,5%, kiềm chế lạm phát dưới mức 6,29%. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch đề xuất, chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN cần kéo dài thêm thời gian so với thời hạn 1 năm như Chính phủ xác định.

Đồng cảm, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thừa nhận năm 2012, tăng trưởng của TP chỉ đạt 9,22%. Tuy nhiên, chỉ số giá chỉ tăng 4,07% (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây). Tuy nhiên, ông Quân cũng thông báo: “Một tháng trước TP dự kiến chỉ đạt 92% so với kế hoạch được giao nhưng do tháng cuối cùng thành phố tập trung cùng Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, mức tổng thu đã đạt được chỉ tiêu với 216.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 30% tổng thu cả nước).

Ông Quân đề xuất, cần tích cực giải quyết thị trường bất động sản, lĩnh vực tác động lớn đến nhiều ngành nghề khác: “NHNN, Bộ Tài chính cần cụ thể hóa, triển khai ngay các giải pháp “giải cứu” thị trường này ngay trong mùa khô để tạo điều kiện giải quyết các vấn đề khác…

Kinh tế khó khăn, nông nghiệp điêu đứng

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho biết, mức tăng giá lương thực, thực phẩm khiến thu nhập 70% nông dân nông thôn giảm sút. Nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm giảm. Kiên Giang cũng không thoát khỏi khó khăn chung. Mục tiêu tăng trưởng 12,2% chỉ đạt 11,81%. Với thế mạnh là nông nghiệp, khó khăn nhất là đầu ra cho hàng hóa. Ông Thi khẳng định, nếu không có thị trường xuất khẩu ổn định thì sẽ dẫn tới nhiều khó khăn, phát sinh nợ nần. Vì thế, ông Thi đề nghị cần có cơ chế điều hành linh hoạt để Kiên Giang phát triển về sản xuất lương thực.

Bình Dương, tỉnh có số lượng doanh nghiệp vào loại lớn nhất nước cũng cho biết gặp khó khăn, đặc biệt là khối doanh nghiệp với 36% DN lâm vào khó khăn (558 DN), GDP cũng không đạt chỉ tiêu. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung kiến nghị Chính phủ cho Bình Dương hưởng cơ chế đặc thù như một số thành phố để có điều kiện lo cho y tế, giáo dục, cho Bình Dương phát hành trái phiếu địa phương để xây dựng công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh xót lòng khi thừa nhận tình hình người dân nuôi cá tra vô cùng bấp bênh, tình hình bi đát suốt từ 2008 đến giờ. Hiện An Giang đang tồn kho 26.000 tấn cá tra đã chế biến, tương đương 1.000 tỷ đồng. Ông Thanh đề nghị NHNN cần hỗ trợ An Giang xử lý nợ xấu, hỗ trợ lãi suất cho DN, nếu không thì DN sẽ sớm phá sản.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng thẳng thắn kiến nghị Chính phủ nên rà soát lại quy chế làm việc của mình do quy chế này gây phiền toái cho các địa phương, doanh nghiệp. “Một đề xuất của địa phương, nhiều khi rất nhỏ, cũng phải lấy ý kiến các bộ ngành, có khi phải cả năm mới có kết quả”. Ông Thắng cũng mạnh dạn đề nghị Chính phủ nên cải tiến thể chế hành chính và cho địa phương cơ chế cụ thể để giải quyết những vấn đề đúng thẩm quyền của mình.