Thu hoạch lúa bằng máy mới đạt 20%
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, muốn giảm thất thoát sau thu hoạch phải tập trung áp dụng hai giải pháp: Sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) thay vì gặt thủ công và áp dụng lò sấy, kho chứa thay vì phơi và chất lúa trong nhà như kiểu truyền thống…
ĐBSCL cần 15.000 máy gặt đập liên hợp để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với cây lúa |
Tuy vậy, thực trạng đáng buồn hiện nay là ở nhiều tỉnh thành có sản lượng lúa hàng triệu tấn/năm, nhưng số lượng máy GĐLH chỉ có một hai trăm cái. Số đó chỉ đáp ứng được vài ngàn hộ dân. Còn công đoạn phơi - sấy và tồn trữ lúa còn gian nan hơn. Lúc trước xã nào cũng có kho chứa và sân phơi hợp tác, nay do người ta đập hết nên hộ nào cũng phải phơi lúa trước sân, đường lộ và chứa lúa trong nhà…
Theo khảo sát của NTNN, vùng ĐBSCL có diện tích lúa hàng hóa lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ thu hoạch bằng máy mới chỉ đạt khoảng 20%. Công đoạn làm khô chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời, sân phơi không đảm bảo kỹ thuật, tỷ lệ áp dụng máy sấy còn rất thấp, công nghệ sấy cũng như chất lượng máy sấy còn lạc hậu. Phương tiện bảo quản, cất trữ nông sản trong dân còn hết sức thô sơ (hòm, gỗ, thùng, chum, vại).
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, trước nhu cầu phát triển trên, nhà nước cần phải có chính sách mang tính hệ thống, đồng bộ, từ cho vay ưu đãi mua máy GĐLH hoặc đầu tư mua máy cho mỗi xã để khuyến khích nông dân sử dụng, giảm tổn thất. Cần phải tăng cường hệ thống kho chứa và lò ấy ở các địa phương có sản lượng lúa thị trường nhiều và các kho ấy phải vận hành theo hướng xã hội hoá…
Nông dân muốn hỗ trợ 100% vốn mua máy
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, với diện tích lúa gieo trồng trong lúa 1 năm của ĐBSCL được thu hoạch bằng máy thì số lượng GĐLH cần phải có khoảng 15.000 máy. Với tốc độ phát triển máy GĐLH như hiện nay, đến năm 2015 sẽ đạt mục tiêu 15.000 máy nói trên. Khi đó, giải được bài toán thất thoát sau thu hoạch thì tổng lợi nhuận tăng thêm cho nông dân trên 7.000 tỷ đồng/năm.
Tiến sĩ Bảnh khẳng định: Cần đẩy nhanh hơn nữa khâu cơ giới hoá trong thu hoạch lúa, một mặt giải quyết vấn đề nhân công, mặt khác giảm chi phí sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch. Vấn đề hiện nay là giá máy còn khá cao, khoảng 200 triệu đồng/chiếc nên không phải ai cũng mua được.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hầu hết chỉ mua gạo nguyên liệu, khả năng kho dự trữ có hạn, và không đầu tư nhà máy sấy lúa quy mô. Do vậy vai trò sấy lúa do các lò sấy tư nhân nhỏ lẻ (hơn 6.500 lò) ở khu vực nông thôn đảm nhận, công suất bình quân 4-8 tấn/mẻ, các lò cải tiến cũng khoảng 20 tấn/mẻ, không đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo Cục Chế biến - Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cần tập trung các giải pháp đồng bộ, cụ thể như quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Kết hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ đất đai tập trung với việc cải tổ lại sản xuất, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn và hệ thống tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy phục vụ nông nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhất là lao động vận hành máy nông nghiệp, bảo quản nông sản; có chính sách cho nông dân vay tín dụng mua thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức vốn vay 100% giá máy với lãi suất 0% trong vòng 2 năm đầu, năm thứ 3 giảm 50% lãi suất vốn vay...
Ba Tri – Quốc Huy