Xe ôtô chở 4 quan tài về xã Liên Trạch nhưng không thể qua được vì dòng nước sông Son chảy quá xiết. |
Nhiều xã bị cô lập
Sáng 6 -10, ngay sau khi tin ở xã Liên Trạch (Bố Trạch) bị vỡ đê có nhiều người bị chết, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - đã lập tức đi kiểm tra tình hình. Nhưng đoàn cán bộ tỉnh, huyện Bố Trạch đã không thể đến được vùng lũ xã Liên Trạch vì dòng nước sông Son (một nhánh sống Gianh) còn quá hung dữ. Đứng bên này sông Son nhìn sang, cả xã Liên Trạch với hơn 900 hộ, 4.000 nhân khẩu vẫn chìm trong biển nước.
Ông Trần Thanh Văn – Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch - bức xúc cho biết, ngoài Liên Trạch thì huyện Bố Trạch vẫn còn vùng Bắc sông Son của xã Hưng Trạch; xã Sơn Trạch… bị cô lập, lực lượng cứu hộ chưa thể đến được. Mì tôm, nước uống chưa thể đưa đến được, người dân biết lấy chi mà cầm cự qua những ngày lũ đây!
Cùng đi trong đoàn công tác của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, điện thoại di động của ông Nguyễn Ngọc Giai – Chánh văn phòng Ban PCLB & TKCN Quảng Bình - lúc nào cũng đổ chuông. Những thông tin cập nhật từ vùng tâm lũ báo về làm ông quặn lòng.
Ông Giai cho biết, hiện toàn tỉnh vẫn còn nhiều xã bị cô lập, nước lũ đang ngập đến mái nhà, ngoài máy bay trực thăng chưa có lực lượng cứu hộ nào có thể đến được. Lo lắng nhất là Cao Quảng, Châu Hoá (Tuyên Hoá), Tân Hoá, Thượng Hoá (Minh Hoá). Xã Ngư Hoá (Tuyên Hoá) máy bay trực thăng đã nhiều lần chở mì tôm, nước uống lên đây mà đành phải quay về vì thời tiết xấu, địa hình cách trở không thể tiếp cận được.
“Ở những vùng bị cô lập người dân chắc chắn bị đói, bởi nước lũ dâng cao, lương thực thực phẩm đã bị cuốn trôi hết. Quan trọng hơn, nguồn nước bị ô nhiễm, người dân cũng không thể nhen được lửa mà nấu ăn. Cái cần nhất của họ lúc này là những gói mì tôm và những chai nước suối để cầm cự …” – ông Giai nói
Tang thương vùng lũ
Thống kê chưa đây đủ của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, đến chiều 6 -10, Quảng Bình có 28 người chết trong cơn lũ lịch sử này. Trong đó nhiều nhất là huyện Bố Trạch với 12 người.
Người dân Quảng Bình có câu: “Cực chi mà cực rứa, đến chết vẫn không hết cực”. Với những cảnh đời người chết trong lũ, theo ghi nhận của chúng tôi thì đúng là “đến chết vẫn không hết cực”.
Bên dòng sông Son cuồn cuộn lũ, chị Nguyễn Thị Lượng (ở Hoàn Lão, Bố Trạch) trở về chịu tang mẹ ở xã Liên Trạch mà không thể qua sông được đành ôm mặt ngồi khóc. Cũng ở bên sông này, chiếc xe ô tô chở 4 quan tài dành cho những người chết ở xã Liên Trạch cũng đành phải dừng lại vì không thể chuyển xuống đò để qua sông vì nước dòng Son đang rất hung dữ.
Chị Phan Thị Bẹp (SN 1983) ở xã Bắc Trạch (Bố Trạch) bị tàn tật, lấy chồng sinh được một đứa con gái nhỏ thì chồng bỏ đi biệt tăm. Hôm 5-10, lũ về nhanh khiến mẹ con chị chỉ biết ôm nhau khóc, khi lực lượng cứu hộ của xã tới, chỉ kịp cứu đứa con, còn chị thì bị dòng nước lũ cuốn trôi. Chị Bẹp chết, nhưng nước lũ vẫn chưa rút khỏi ngôi nhà nhỏ của chị.
Ông Lưu Trọng Tham (76 tuổi) ở xã Hạ Trạch là một người sống gương mẫu. Con cháu dự định sẽ làm lễ mừng thọ cho ông vào dịp cuối năm nay nhưng ông lại chọn những ngày mưa lũ này để về với tổ tiên.
Ông Tham chết nhưng tấm lòng của ông, những người được ông cứu sống cũng như người dân Hạ Trạch đều mãi ghi ơn. Trong đêm 5 -10, khi cơn lũ dữ tràn về, ông Tham mặc dù tuổi đã cao những vẫn một mình chèo thyền vượt dòng nước lũ cứu những người dân gặp nạn trong xã.
Chuyến thứ nhất, ông Tham đã đưa hơn chục người dân thoát cái chết cận kề, nhưng chuyến thứ 2 thì chính dòng nước lũ hung dữ đã cướp mất mạng sống của ông…
Phan Phương