Con heo giống được ông Ký mua từ Thái Lan về cung cấp giống heo chất lượng cho cả vùng. |
Từ bò sữa, hoa lan, cá kiểng...
Những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ 20) bò sữa trở thành "con xóa nghèo và làm giàu" của một bộ phận nông dân ngoại thành TP.HCM. Một số nông dân nuôi bò sữa giỏi đã sang Thái Lan, Đài Loan tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của nông dân các nước này. Nhiều người sau khi trở về đã mạnh dạn đầu tư vốn, con giống có chất lượng, các phương tiện vắt và bảo quản sản phẩm sữa…, mở rộng chăn nuôi lên quy mô trang trại đem lại lợi nhuận cao.
Từ năm 2006, thành phố có chủ trương và đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi khuyến khích nông dân chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những cây, con cho giá trị cao, được bà con hưởng ứng tích cực.
Trong các biện pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, thành phố đã giao cho Hội Nông dân tổ chức đưa những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi tham quan, học tập các mô hình hay ở nước ngoài, trên cơ sở ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí, 50% nông dân tự bỏ ra.
Nhờ đó, từ 2006 đến nay, mỗi năm Hội Nông dân thành phố đã tổ chức đưa 20 nông dân sang một số nước có khí hậu và thổ nhưỡng tương đồng với TP.HCM như: Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… để "tầm sư học nghề", từ nuôi bò sữa đến trồng hoa lan-cây kiểng, rau an toàn.
Đến nay, sau khi tham quan học hỏi về, nhiều nông dân đã ứng dụng vào sản xuất khá thành công như trang trại bò Phương Bình; trang trại hoa lan rộng 10.000m2 mỗi năm doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng của nông dân Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Bảy (Củ Chi); Trần Văn Bạch (Bình Tân)…
Phát biểu sau chuyến xuất ngoại sang Thái Lan, ông Nguyễn Văn Xê cho biết: "Với khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như Thái Lan, tôi tin nông dân TP.HCM không thua kém gì nông dân Thái. Chỉ có điều, muốn sản xuất hàng hóa thì phải cho nông dân tích tụ và được quyền sở hữu đất đai".
... đến làm vườn du lịch sinh thái
Ông Nguyễn Hồng Ký
Nằm cạnh nhánh sông chảy từ sông Đồng Nai về phía sông Sài Gòn, cách đây hơn chục năm gia đình ông Nguyễn Hồng Ký (Hai Ký) ở ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ (quận 9) chỉ biết trồng lúa. Thấy không làm giàu được từ lúa, ông Hai Ký chuyển sang trồng dừa. Dừa cho thu hoạch cũng là thời điểm chim, cò bay về cư trú. Đất lành chim đậu, không bỏ lỡ cơ hội ông tìm mọi hình thức nhử chim về mỗi ngày một đông.
Được Hội Nông dân và ngành du lịch khuyến khích, ông Ký đầu tư mở rộng diện tích, trồng thêm nhiều loại cây cho chim cư trú kết hợp với tạo bóng mát. Ông còn đắp bờ bao nhử tôm, cá từ sông vào, hình thành điểm du lịch sinh thái theo mô hình VAC...
Không bằng lòng với những gì đã có, năm 2006 ông còn tự bỏ tiền sang Thái Lan học nghề trồng cây ăn trái đặc sản. Chuyến đi này, ông có dịp đến thăm trang trại nuôi heo rừng và rất tâm đắc khi thấy nông dân Thái làm du lịch ngay trong trang trại của mình.
Lúc về, ông không chỉ mua các giống cây ăn trái đặc sản mà còn mua 62 con heo rừng Thái để tạo đàn. Những giống cây mua về đã bổ sung cho vườn cây ăn trái rộng 6ha của ông nhiều loại trái cây có giá trị.
Khách đến tham quan, nghỉ dưỡng không chỉ thưởng thức các món ẩm thực thủy sản tự nhiên như: Tôm, các loại cá sông cùng hương vị của heo rừng nướng, hấp gừng... mà còn được ăn trái cây miễn phí. Sau hơn bốn năm khởi nghiệp, trang trại nuôi heo rừng Thái của ông Ký còn cung cấp cho người nuôi trong khu vực hàng trăm con giống chất lượng.
Khuynh Diệp