Dịch bùng phát vì bán chạy heo bệnh
Theo Cục Thú y, trong khi tại một số nơi, dịch có dấu hiệu chững lại, thì tuần qua, tại nhiều địa phương, DTX vẫn tiếp tục phát sinh ổ dịch mới và địa bàn mới, với trên 24.000 con mắc bệnh. Mới nhất là tỉnh Phú Yên, sau ổ DTX đầu tiên xuất hiện ở xã An Mỹ (Tuy An), đã có 2 ổ dịch mới xuất hiện tại 2 huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Ngày 4 - 10, tỉnh Phú Yên đã công bố dịch tại những địa bàn này. Tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, đến ngày 30-9, vẫn tiếp tục bùng phát những ổ dịch mới với hơn 12.200 con heo mắc bệnh.
Hỗ trợ người nuôi chậm là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan ở các địa phương. |
Ông Hoàng Văn Năm - quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Do nhiều địa phương không quản lý tốt việc vận chuyển gia súc, công tác giám sát phát hiện dịch chậm, nhiều hộ chăn nuôi đã không khai báo dịch và bán chạy heo bệnh… làm bệnh vẫn tiếp tục phát triển mạnh.
Nhưng còn một lý do nữa khiến dịch bệnh vẫn chưa thể dừng lại là tại nhiều địa phương, dịch xảy ra cả tháng nay nhưng người chăn nuôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giấu dịch, tiêu thụ heo bệnh “chui”, làm lây lan dịch bệnh...
Nhiều nơi khống chế được dịch
Tính đến cuối tháng 9, tỉnh Đồng Nai đã có 15 xã công bố DTX với tổng số heo bệnh gần 55.000 con, trong đó số heo phải tiêu hủy trên 22.000 con. Tuy nhiên, hiện số heo bị dịch đã có chiều hướng giảm, có nơi nhờ kinh nghiệm và ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi của nông dân nên đã khống chế được bệnh. Ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) có trên 7.500 con heo đang nằm trong vùng DTX, nhưng gần 33% số heo không bị “dính” bệnh.
Do có kinh nghiệm từ đàn heo năm ngoái cũng bị DTX được điều trị khỏi, nên khi thấy đàn heo có biểu hiện bệnh, ông Lê Trọng Ngưu ở ấp 1 đã kịp thời mua thuốc về điều trị, nên chỉ 10 ngày sau đã khống chế được bệnh. Ông Ngưu chia sẻ: “Khi thấy chúng có biểu hiện bệnh, tôi cho chích thuốc chống sốt để hạ nhiệt liền, kết hợp với chích kháng sinh và mua “nước biển” về cho heo uống thay nước kèm vitamin C…”
Thành phố Cần Thơ hiện cũng đã khống chế được DTX. Theo Chi cục Thú y Cần Thơ, đến nay đã qua 21 ngày trên địa bàn thành phố không phát sinh thêm ổ dịch mới. Trước đó ở 2 huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ đã có 15 xã, thị trấn có ổ DTX với trên 2.300 con nhiễm bệnh. Được biết, hai tỉnh Tiền Giang và Long An cũng mới công bố hết DTX mọi hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo sẽ được khôi phục trở lại.
Khuyến cáo tiêm vaccin
Để kiểm soát tốt hơn DTX trên đàn heo, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn heo, trong đó chú trọng khâu tiêm phòng vaccin.
Sở NN&PTNT Đồng Nai đưa ra khuyến cáo người chăn nuôi cần tiêm vaccin bệnh heo tai xanh cho đàn heo. Theo ông Phạm Minh Đạo- Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, hiện vaccin heo tai xanh vẫn chưa là phương pháp tối ưu, nhưng nếu biết kết hợp với các biện pháp phòng chống khác thì sẽ cho hiệu quả cao.
Tại tỉnh Bình Dương, ngành thú y đã phối hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y tổ chức hội thảo, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng ngừa và sử dụng thuốc thú y đúng lúc, đúng cách, cũng giúp giảm dịch bệnh ở đàn heo nuôi. Ông Lê Văn Thạch, ấp Lợi Trung, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) cho hay: Chuồng heo của ông là nơi đầu tiên phát DTX trong xã. Rất may do phân chia chuồng trại theo dãy và theo lứa nên đã nhanh chóng cách ly được các chuồng heo khác.
Còn chị Trần Thị Loan ở xã An Ninh (Phú Giáo), trong đợt dịch vừa rồi, chị có 3 con nái và 35 heo thịt phải tiêu hủy. Tình cờ chị được đại lý Nhựt Nga tư vấn dùng thử thuốc Anova (Nova Flor 40% kết hợp với 1 số loại thuốc đặc dụng khác), kết quả là đã cứu được 2 con nái và 65 heo thịt còn lại. Sau khi heo ăn được chị tiếp tục cho dùng thuốc bổ Nova Hepa + B12 thấy heo khỏe mạnh hẳn.
Việt Hoà - Đình Thắng