Dân Việt

Nông dân làm phiên dịch

08/10/2010 16:26 GMT+7
(Dân Việt) - Nghề lạ lùng này đang được nhiều nông dân Việt biết tiếng Campuchia chọn để kiếm sống. Công việc của họ là phiên dịch cho những bệnh nhân Campuchia sang Việt Nam khám, chữa bệnh.
img
Bà Lan đang xem lại biên lai thu tiền viện phí cho người nhà bệnh nhân Soure Bon.

Hiểu người bệnh như người nhà

Nói về “nghề” phiên dịch này, bà Lan (ngụ tại Tây Ninh) là người đầy kinh nghiệm, bởi bà đã từng đưa nhiều bệnh nhân Campuchia đi khám ở khắp các bệnh viện tại TP.HCM. Theo bà Lan, công việc của bà là phải thay người nhà bệnh nhân làm tất cả các thủ tục, từ lấy số thứ tự, hướng dẫn nộp tiền rồi đưa bệnh nhân vào khám... vì vậy người làm nghề này phải hiểu “khách hàng” như người nhà mình.

Cuối tháng 9-2010, bà Lan có một “khách hàng” là anh Soeur Bon, đi chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo lời bà, anh Soeur Bon, 20 tuổi, được chẩn đoán là biến chứng hậu chấn thương sọ não, nhập viện trong trạng thái hôn mê. Bà Lan kể: “Gia đình này buôn vải, thuộc dạng khá giả, đã chữa bệnh 10 ngày tại Bệnh viện Vạn Hạnh rồi nhưng không đỡ nên chuyển qua đây. Ở đây không có chỗ ở cho người nhà thăm nuôi nên mình phải nằm ở hành lang”.

Bà Lan năm nay gần 60 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn. Bà khoe: “Hồi còn nhỏ, tiếng Việt tui học chỉ hết lớp 4 nhưng tiếng Campuchia đã học hết lớp 8. Hàng xóm nhiều người Campuchia nên tui nói chuyện với họ như nói với người Việt vậy. Biết rõ, hiểu rõ tiếng của người ta mới dám nhận làm công việc này chứ tính mạng con người, mình nói sai một chút là chết”.

Chồng bà Lan lúc trước cũng làm phiên dịch tiếng Campuchia nhưng chỉ đưa “khách hàng” đi điều trị ở các bệnh viện tỉnh. Chồng mất, bà nhận làm công việc này và đưa bệnh nhân lên khám ở các bệnh viện thành phố, bệnh viện Trung ương, bệnh viện tư...

Nghề thu nhập khá

Bác sĩ Lê Đức Tín - người trực tiếp khám cho anh Soeur Bon cho biết, gần đây, người Campuchia sang thăm khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy rất đông. Bác sĩ, điều dưỡng hầu như không biết tiếng Campuchia, rất may là có những người phiên dịch như bà Lan.

Cùng làm nghề với bà Lan, cô Nga, 40 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM, đang nhận phiên dịch cho một gia đình người Campuchia ở Preiveng. Họ không khá giả lắm, người mẹ là lao động chính nhưng lại đau lưng mãn tính không làm được việc nên phải chạy vạy khắp nơi chữa trị.

Đi theo gia đình người bệnh khắp các bệnh viện, cô Nga được trả 200 nghìn đồng/ngày, cơm nước tự lo. Theo lời cô, đây là giá thấp nhất vì nếu cơm nước tự lo thì thường tiền công là 300 nghìn đồng/ngày.

“Làm cái nghề này đôi khi cũng chạnh lòng nhưng đã đi làm thì phải chấp nhận, tiền bạc sòng phẳng, chỉ bớt được chút đỉnh thôi”-bà vừa nói vừa nhìn cậu con trai của khách hàng đang đấm lưng cho mẹ.

Bà Lan hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân Soure Bon được bao ăn ở vì bà ở tận Tây Ninh. Tính đến nay đã là ngày thứ 10, tiền thù lao cho người phiên dịch là hơn 2,5 triệu đồng. Khi gặp cả họ hàng đi khám bệnh, có khi bà kiếm cả triệu đồng một ngày. Từ nghề nuôi ba ba, nuôi rắn thu nhập ít ỏi, một thân một mình vất vả bà chuyển hẳn sang làm phiên dịch tiếng Campuchia ở các bệnh viện.

Ngoài thù lao được nhận từ gia đình bệnh nhân, người phiên dịch còn nhận được “hoa hồng” 10% từ những nơi mà họ đưa bệnh nhân đến thăm khám, nhà thuốc, nhà trọ... “Làm ăn có uy tín thì khách đều đều và giữ được những mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp dịch vụ. Có nhiều người ham “hoa hồng” cao, dẫn bệnh nhân đến bệnh viện tư hoặc bệnh viện cao cấp, giá cả rất cao” - cô Nga kể.

Làm nghề này muốn được tin tưởng, theo cô Nga, cần tuân thủ một số nguyên tắc, đặc biệt là việc thanh toán viện phí. Khi thanh toán, người phiên dịch chỉ nói cho người nhà biết số tiền để họ tự tay nộp cho bệnh viện. Cô Nga tâm sự: “Nghề này kiếm cũng được nhưng nhiều khi chạy muốn đứt hơi...”.