Dân Việt

Vỡ đập - tai họa được báo trước

08/10/2010 09:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đập thuỷ lợi Cây Tắt ở xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bị vỡ ngày 5-10, nhấn chìm 900 hộ, 8 người thiệt mạng. Điều đáng nói là tai hoạ này được cảnh báo từ lâu...

Sự thờ ơ làm 8 người thiệt mạng

Sáng 7-10, chúng tôi có mặt tại đập thuỷ lợi Cây Tắt, dù nước lũ đã rút nhưng những gì còn sót lại nơi thân đập chứng tỏ sức công phá ghê gớm của lũ. Một phần thân đập bị xé toang, hồ thuỷ lợi Cây Tắt trơ đáy.

img
Đập Cây Tắt bị nước lũ xé toạc.

Theo ông Trần Văn Thăng - Phó Phòng NN&PTNN huyện Bố Trạch, công trình hồ chứa nước Cây Tắt được xây dựng từ năm 1979 (do UBND xã Liên Trạch quản lý) để phục vụ tưới cho 120ha lúa 2 vụ. Công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhất là thân đập (bằng đất) và cống lấy nước.

Cách đây 10 tháng, từ ngày 11-1 xảy ra hiện tượng vỡ phần giữa thân cống, dẫn đến sụt lún mái đê phía thượng lưu. Vị trí sụt mái đê có đường kính 6-8 m, sâu 5-10 m.

Phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch phối hợp với UBND xã Liên Trạch huy động người dân địa phương dùng bao tải cát, đắp đất, bồi kè… khắc phục sự cố nhưng không thành vì hố sụt khá lớn. Sự cố trên làm cho vụ đông xuân và hè thu vừa qua, 120ha lúa của xã Liên Trạch không chủ động được nước tưới.

Lo lắng cho tính mạng người dân, UBND xã Liên Trạch đã có tờ trình gửi lên cấp trên xin quan tâm tu sửa công trình. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư tu sửa đập Cây Tắt (dự trù kinh phí 1,5 tỷ đồng) được coi là "bức bách và rất quan trọng" này vẫn nằm trên giấy. Điều gì đến nó đã đến: Đập thuỷ lợi Cây Tắt đã vỡ.

Miễn Trung: Nhìn đâu cũng thấy lo

Tại Quảng Nam, nhiều công trình hồ thủy lợi lớn như Khe Tân, Thạch Bàn, Phú Lộc, An Long và Nước Rôn... đang "run" bần bật trước mùa mưa lũ này

Không chỉ có đập Cây Tắt, phần lớn hồ đập thủy lợi ở miền Trung đều được xây dựng từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, giai đoạn kinh tế đất nước còn khó khăn, vật tư thiếu thốn, công nghệ chưa tiến bộ.

Nhiều hồ sau khi xây chỉ khai thác vài năm là xuống cấp nghiêm trọng, như đập Đá Bàn (Khánh Hòa), Minh Cầm (Quảng Bình), Bảo Đài (Quảng Trị)…

Đã xuống cấp lại không đủ kinh phí duy tu bảo dưỡng nên các công trình ngày càng mất an toàn. Ngay cả những hồ chứa lớn có dung tích trữ trên 10 triệu m3, được Bộ NN&PTNT cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhưng xét về tiêu chuẩn chống lũ hiện hành thì vẫn còn thấp, nếu gặp thời tiết bất lợi là có nguy cơ mất an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Vui - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: "Bình Định hiện có 154 hồ chứa nước lớn nhỏ được xây dựng đã trên 30 năm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, thiết kế sơ sài, thiết bị thi công kém nên hầu hết đã xuống cấp. Trong đó nhiều hồ xuống cấp nghiêm trọng, 20 hồ đập đang trong tình trạng "hấp hối". Nếu có cơn lũ lớn thì hậu quả không biết đến thế nào”.

Ở Quảng Ngãi có 110 hồ chứa lớn nhỏ, 324 đập dâng, 93 trạm bơm và hàng ngàn km kênh mương. Phần lớn được thiết kế cho lưu lượng lũ thấp nên khó mà trụ được trước những cơn lũ kinh hoàng như vừa qua.