Dân Việt

Viêm bàng quang, khổ nhiều hơn đau!

08/10/2010 16:14 GMT+7
(Dân Việt) - Không ít trường hợp bệnh nhân mất ngủ, mất tập trung, thậm chí trầm uất đến mức phân liệt cá tính là do hậu quả của viêm bàng quang kéo dài... Vậy mà ở ta, người dân coi đó là “chuyện nhỏ”.

Bệnh nặng vì ngại tới thầy thuốc

Theo thống kê ở châu Âu, không dưới 5% dân số, trong số đó 90% là phụ nữ, 2/3 trong số đó từ tuổi 40, đang khổ vì viêm bàng quang chữa hoài không khỏi. Thực trạng này chắc chắn nghiêm trọng hơn nhiều ở xứ mình do đa số bệnh nhân cắn răng chịu đựng thay vì đến ngay thầy thuốc.

img

Kẹt thêm cho nạn nhân là bệnh ít được lưu tâm ngay cả trong trường hợp bệnh nhân đã gặp thầy thuốc phụ khoa. Đáng tiếc vì nhiều trường hợp viêm bàng quang đã có thể được điều trị khỏi nếu nạn nhân gõ cửa thầy thuốc sớm hơn, khi phát hiện một trong các triệu chứng sau đây: Tiểu nhiều lần trong ngày; Tiểu không hết, vừa tiểu xong lại mắc tiểu; tiểu buốt khiến bệnh nhân không thể tiểu mạnh như mong muốn; đau thắt lưng hay đau vùng hội âm, kể cả đau hậu môn; đau sau khi giao hợp.

Thêm vào đó, đa số bệnh nhân “bị” điều trị ngay bằng thuốc kháng sinh bất kể bệnh có do bội nhiễm hay không. Đây chính là điểm đáng nói vì trong đa số trường hợp, bệnh không do vi khuẩn hay nấm mốc mà do tác hại của nước tiểu ngay trên niêm mạc của bàng quang. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa nếu nạn nhân phải sinh hoạt trong môi trường gặp thay đổi nhiệt độ thái quá, như người làm việc trong văn phòng quá lạnh, công nhân trong khâu sản xuất thực phẩm đông lạnh.

Khổ vì điều trị không đúng cách

Viêm bàng quang xuất hiện do gia chủ thường có những thói quen phản khoa học như: Nín tiểu trong giờ làm việc, uống nước không đủ, hoặc chỉ 1-2 lần trong ngày thay vì chia đều; nước tiểu quá “chua” do chứa nhiều chất acid từ hậu quả của stress, hoặc lạm dụng rượu bia, thuốc cảm, thuốc sinh tố C; sức đề kháng bị xói mòn vì lao tâm, lao lực

Nếu tưởng lúc nào cũng phải dùng thuốc kháng sinh khi bị viêm bàng quang thì sai. Bằng chứng là y sĩ đoàn ở các nước phương Tây đang cổ động cho việc áp dụng các phương pháp dựa trên kích ứng vật lý như chườm nóng, ngâm chân nước ấm, thể dục vùng chậu, châm cứu, xung điện, sóng ngắn … để điều trị viêm bàng quang, thay vì đánh bồi vào cơ thể đã mỏi mệt với thuốc kháng sinh, kháng viêm bằng hóa chất tổng hợp.

Họ tất nhiên phải có lý do chính đáng vì không lẽ có thuốc lại không dùng? Bên ta thì sao? Thuốc kháng sinh có đang bị lạm dụng hay không? Câu trả lời đã rõ hơn ban ngày.

Thêm một điểm quan trọng. Cũng vì không tìm ra vi khuẩn, siêu vi hay nấm mốc nên không ít thầy thuốc trước đây đã nghi ngờ, có người thậm chí quả quyết là bệnh do… tâm lý! Bệnh nhân vì thế chẳng khác nào giả đò trước đôi mắt nghi ngờ của thầy thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh ngược lại, nghĩa là bệnh không do buồn vui gì đó mà do mặt trong bàng quang mất sức đề kháng.

Nhưng bệnh rõ ràng gây hậu quả nghiêm trọng trên chức năng tư duy của người bệnh. Không ít trường hợp mất ngủ, mất tập trung, thậm chí trầm uất đến mức độ phân liệt cá tính là do hậu quả của viêm bàng quang kéo dài khiến nạn nhân mất chất lượng của cuộc sống bên cạnh phản ứng phụ của thuốc dùng không đúng cách.

Chính vì thế không thể xem viêm bàng quang như chuyện nhỏ! Chữa bệnh không đồng nghĩa với giảm đau. Quan trọng là làm sao để bệnh nhân bớt khổ.