Dân Việt

Phận đời "xuyên lục địa"

08/10/2010 09:08 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian qua, hàng chục phụ nữ ở Sơn La đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Trong số họ, có người đã trở về nhưng trong tâm tưởng họ vẫn luôn nhức nhối nỗi đau lầm lạc...

Lời ngọt lọt lỗ tai

Đang lúi húi bên vườn cà phê, nghe tiếng người lạ, anh Hoàng Văn Hảy vội buông giỏ quả, tất tả vào nhà đón khách. Nhưng khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu về sự mất tích của Lánh (em gái anh Hảy) thì anh ỉu xìu: Vậy mà tôi cứ tưởng các anh có thông tin gì về nó.

img
Nạn nhân Lò Thị Mùa (trái ) vẫn không nguôi nhớ đứa con còn ở lại Trung Quốc.

Đã hơn 3 năm nay rồi, kể từ ngày nó bỏ cái bản Mạt (Chiềng Mung, Mai Sơn) này mà đi, vợ chồng tôi đếm từng ngày mong nó trở về, cầu cho nó còn sống và được yên thân ở nơi nào đó cho đến ngày gặp lại...

Sau một hồi động viên, an ủi đợi anh Hảy bớt xúc động chúng tôi mới khơi lại được câu chuyện về sự ra đi của em gái anh: “Hôm ấy là ngày 18-8-2007, nhà vừa thu ngô xong, còn đang đợi khách trả giá cao mới bán thì có một phụ nữ đến, xưng tên là Phương, người dân tộc Thái ở xã Cò Nòi (cùng huyện Mai Sơn). Sau khi làm quen chị Phương gạ nó sang làm thuê cho chị ta.

Chị ta bảo nhà có trang trại cà phê và nuôi nhiều lợn nên cần người thật thà như Lánh đến trông nom, quản lý giúp, ngoài nuôi cơm ăn hàng ngày sẽ trả công 3 triệu đồng/tháng. Thấy rõ cái lợi, Lánh vui lòng đi theo chị ta. Người nhà can ngăn vì sắp đến Tết Độc lập 2-9 (người Thái Tây Bắc thường ăn Tết này rất to) nhưng chị ta bảo đến 2-9 sẽ cho về nhà ăn Tết.

Thế rồi Tết Độc lập cũng không thấy về, Tết Nguyên đán năm ấy cũng không thấy nữa. Gia đình đổ đi tìm khắp nơi, mãi tới gần đây mới biết nó đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Nhớ nó lắm, thương nó nhiều nhưng cũng đành báo công an rồi... đợi thôi”.

Với người dân bản Bợ, xã Mường Khiêng (Thuận Châu, Sơn La) thì sự đột ngột mất tích một lúc 4 thiếu nữ ở độ tuổi trăng tròn, xinh nhất bản vào tháng 10-2009 vẫn còn nguyên tính thời sự.

Ông Lò Văn Chiến, bố nạn nhân Lò Thị Lĩnh (16 tuổi) , cầm trong tay tờ hợp đồng lao động viết tay, nghiến răng kèn kẹt: “Con Hạnh nó lừa con gái tôi đi làm thuê cho nó với giá 2-3 triệu đồng/tháng, lại được nuôi cơm, có quần áo mới, việc nhàn hạ, có hợp đồng hẳn hoi, lại đi cùng 3 người khác trong bản thì ai mà không tin cơ chứ.

Có ai ngờ cứ ngày này sang ngày khác, chả thấy thông tin gì. Khi cái ngờ vực trong bụng lên cao, cất công đi tìm cô chủ Hạnh như lời giới thiệu và ghi trong hợp đồng thì mới vỡ lẽ đã mất con...”.

Dang dở ngày về

Không phải con nhà giàu có, lắm gạo nhiều trâu như những thiếu nữ khác ở xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) nhưng cái đẹp như bông ban rừng của Mùa Thị Dế vẫn làm nhiều trai bản mê mệt. Ấy vậy mà bỗng nhiên Dế bặt vô âm tín. Sau hàng năm trời, Dế đột ngột trở về với đứa con nhỏ trên tay, mọi người mới biết Dế bị lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ người ta.

Lý giải sự ra đi của mình, Dế ôm mặt khóc: “Chỉ tại mình nghe lời bạn xấu rủ đi Lào Cai mua cái vải đẹp về may áo váy, mặc cho bằng bạn bằng bè. Ai ngờ...”.

Không đưa được con về cùng như Mùa Thị Dế, Lò Thị Mùa ở bản Nhạp, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) cũng bị lừa bỏ nhà ra đi vì một hợp đồng lao động cao giá và bị bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông nhiều tuổi.

Cuộc sống vợ chồng hờ ấy chẳng lấy gì làm mặn mà, lại ngôn ngữ bất đồng; suốt ngày lo trốn chạy sự kiểm soát hộ tịch hộ khẩu của công an Trung Quốc; trong một lần chồng vũ phu, Mùa đành bỏ lại đứa con hơn một tuổi, tự vượt biên trở về trong sự khốn cùng cả về tâm trạng và tiền bạc.

Giờ đã sum họp cùng gia đình nhưng khi chúng tôi nhắc tới chuyện cuộc sống bên kia biên giới, Mùa vẫn tràn trề nước mắt: “Em chỉ mong được sang bên đó 1 lần nữa, sang thật đàng hoàng để ngắm đứa con của mình một ngày, tự tay tắm cho con. Giờ nó đã 3 tuổi rồi, không biết nó có còn nhớ tới người mẹ đã sinh ra nó...”.

Khó cả đôi đường

Theo Trung tá Phạm Thế Mạnh - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra hình sự, Công an huyện Mai Sơn thì bọn buôn người hiện nay ít sử dụng chiêu thức dụ dỗ phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài như trước mà đã đổi mới bằng chiêu thức hợp đồng lao động trả công cao, làm việc ngay tại địa phương của nạn nhân. Với chiêu thức này, bà con vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn rất dễ mắc phải.

Bà Lò Thị Duân, cô ruột nạn nhân Lò Thị Doan ở bản Ưng (Chiềng Ban, Mai Sơn), kể: “Nó mất tích gần 2 năm mới điện thoại về nhà cho biết sau khi bị lừa bán đã phải làm vợ người ta ở bên Trung Quốc. Hơn nửa năm bị nhốt trong nhà để quản thúc, họ mới cho đi lại quanh nhà và lao động có giám sát của gia đình.

Đến bây giờ, hơn 3 năm làm vợ người ta mà nó cũng chưa có con, không biết có bị bán lại cho người khác không? Lần nào được chồng cho phép gọi điện về nó cũng khóc, muốn về lắm nhưng không trốn thoát được...”.

Trao đổi việc này với Công an huyện Mai Sơn, được biết: Với hoạt động của bọn buôn người qua biên giới như hiện nay thì việc ngăn chặn và giải cứu đang gặp không ít khó khăn. Các nạn nhân hầu hết đều có trình độ dân trí thấp, mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình nên sau khi bị lừa thường khó liên lạc với gia đình, không dám nhờ giải cứu.

-----------------

(Tên của một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)