Ở nước ta hiện nay, trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung trí tuệ và nghị lực cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ XI thì các thế lực thù địch lại gia tăng gấp bội những hoạt động chống phá bằng cách tung ra hàng chục, hàng trăm luận điệu xuyên tạc, vu cáo nhằm phủ nhận Đảng, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, vì - như họ nói - chế độ một Đảng như hiện nay là không dân chủ.
So với những ý kiến đóng góp của hàng triệu cán bộ và nhân dân, dù thuộc dân tộc hay theo tôn giáo nào, sống ở trong nước hay ở nước ngoài, dù lời lẽ bình thản hay gay gắt, trầm tĩnh hay bức xúc nhưng với tình cảm gắn bó và xây dựng ... thì những luận điệu thù địch đại loại như trên dù “gói” trong bộ trang phục nào cũng hiện ra như dòng nước ngược đầy chất ô nhiễm.
1. Xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền ư?
Ngót một thế kỷ nay, vận mệnh Tổ quốc và dân tộc gắn liền với vận mệnh của Đảng như là nhân tố đặc trưng của sự phát triển dân tộc trong kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc.
Trên thế giới, Đảng chính trị xuất hiện đánh dấu bước chuyển xã hội từ kỷ nguyên mà quyền lực xã hội bị chi phối hoàn toàn bởi thế lực cầm quyền dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống (dòng họ) và quan hệ phụ thuộc tuyệt đối Vua – tôi sang kỷ nguyên quyền lực xã hội bị chi phối bởi các tập đoàn xã hội được hình thành trên cơ sở lợi ích và được biểu hiện tập trung ở chính đảng. Chính vì thế, đến nay trên toàn thế giới có đến 5.000 (1) chính đảng lớn nhỏ với các loại hình, mô hình khác nhau; tuyệt đại trong số hơn 200 quốc gia, khu vực trên thế giới đều thực hiện chế độ chính trị chính đảng...
Ở nước ta nhu cầu có đảng chính trị chỉ thực sự xuất hiện khi diễn ra sự phân hóa xã hội sâu sắc do tác động của chính sách khai thác thuộc địa mà thực dân Pháp thi hành những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX làm thay đổi sâu sắc cơ cấu giai cấp - xã hội với sự xuất hiện của các giai cấp mới - giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp trí thức...
Nhu cầu đó ngày càng lớn lên và trở thành nhu cầu bức bách. Ngay trong hoàn cảnh bị thực dân kìm kẹp, đàn áp khốc liệt nhu cầu ấy vẫn tìm cách bộc lộ với sự xuất hiện những tổ chức và chính đảng hoạt động bí mật, chẳng hạn, tổ chức “Việt Nam quang phục hội” của nhà yêu nước Phan Bội Châu ra đời năm 1912 nêu tôn chỉ là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nền độc lập của nước nhà, thành lập nước cộng hòa dân quốc; Việt Nam quốc dân Đảng được thành lập năm 1927 trên cơ sở nhóm Nam đồng thư xã của thầy giáo Phạm Tuấn Tài với phương châm: “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới” và với bản điều lệ trong đó mang dấu ấn ảnh hưởng của cả tư tưởng cách mạng tư sản Pháp, cả quan điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ phương Tây và chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc).
Dù các tổ chức này – do không đáp ứng được các yêu cầu to lớn và bức thiết của dân tộc và không đứng vững được trước sự tấn công dữ dội của kẻ thù – cuối cùng đều thất bại và bị kẻ thù tiêu diệt, nhưng ở một phương diện khác, đã ít nhiều góp phần khai mở kỷ nguyên, trong đó đảng chính trị có vai trò to lớn trong chi phối quyền lực xã hội, trong xác định và thực thi con đường phát triển của dân tộc.
Năm 1930, từ các tổ chức cộng sản tiền thân ở khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong sự chờ đợi, đón nhận của cả dân tộc. Dưới sức ép nặng nề của ba tầng áp bức – thực dân, tư sản, phong kiến - giai cấp công nhân tuy không đông về số lượng, nhưng sớm giác ngộ ý thức dân tộc và giai cấp đang hướng tới thành lập chính đảng của mình.
Giai cấp nông dân chiếm tới 90% dân số cả nước, đang bị địa chủ bóc lột tô tức nặng nề và thực dân chiếm đoạt ruộng đất đồng loạt để mở đồn điền, lại đang dao động vì sự đổ gẫy của ngọn cờ Cần Vương và sự thất bại của phong trào đấu tranh theo ý thức hệ tư sản do các nhà yêu nước lãnh đạo... đang khát khao mong chờ sự xuất hiện của “Vị cứu tinh” để giải thoát kiếp nô lệ và cảnh nghèo khổ, lầm than.
Tầng lớp trí thức vốn nhậy cảm về thân phận của người mất nước, bị khinh rẻ và bị phân biệt đối xử, lại có điều kiện tiếp cận với một số trào lưu mới của thế giới, đã nhận rõ sự bất lực của các lý thuyết tư sản, cải lương nên đã bước đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và hướng tới Đảng Cộng sản.
Trong số đó không ít người vốn là nhân vật lãnh đạo, đảng viên của Quốc dân đảng như Phạm Tuấn Tài, Trần Huy Liệu hay những trí thức nổi tiếng như Trần Hữu Độ, Nguyễn An Ninh... Tiêu biểu nhất trong đó là Phạm Tuấn Tài, người mà sau đó ít năm đã viết trong bản di chúc đề ngày 31-11-1936: “Do ở những điều kinh nghiệm về cách mạng, tôi nhận thấy rằng: muốn phá hoại một xã hội cũ và kiến thiết một xã hội mới, lực lượng cách mệnh chỉ có thể trông chờ vào các giai cấp nào trong xã hội bị bóc lột hơn hết và bị áp bức hơn hết. Và muốn đánh đổ chế độ hiện thời, những phần tử cách mạng ở các dân tộc bị áp bức phải liên kết với công nông và quần chúng lao khổ ở các nước tư bản mà lập thành một trận tuyến chung. Chủ nghĩa quốc gia hiện đã trái mùa, cả đến chủ nghĩa xã hội dân chủ hay chủ nghĩa Tam dân cũng chỉ là những cách mệnh cải lương không công hiệu. Nói rõ hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới có thể đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc mà giải phóng cho các dân tộc yếu hèn; chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới có thể phá tan được xã hội giai cấp mà dẫn nhân loại tới thế giới đại đồng” (2)
Như vậy, ngay từ đầu không chỉ giai cấp công nhân mà còn tuyệt đại bộ phận trong các giai cấp và tầng lớp khác của xã hội thừa nhận và tôn vinh Đảng là người lãnh đạo duy nhất của dân tộc. Kể từ đó, Đảng gắn bó với nhân dân, với dân tộc như máu thịt trong suốt 80 năm nay.
Sự gắn bó ấy bắt nguồn sâu xa từ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân, dân tộc về lợi ích và mục tiêu căn bản. Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc. Điều đó thường xuyên nhắc nhở Đảng rằng nếu rời xa quan hệ lợi ích đó - dù một bước - Đảng sẽ cận kề với nguy cơ thoái hóa; ngược lại cũng nhắc nhở nhân dân rằng nếu rời bỏ quan hệ lợi ích đó thì tự mình đánh mất người dẫn lối đưa đường trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Mỗi hành vi xâm phạm lợi ích của nhân dân, của dân tộc cũng đồng thời “động chạm” đến lợi ích của Đảng và ngược lại. Đó là điều không có và không thể có trong quan hệ lợi ích giữa Đảng tư sản và nhân dân, dân tộc ở các nước tư bản.
Chính sự gắn bó về lợi ích trên đây là điểm xuất phát cơ bản để Đảng xây dựng đường lối, chính sách, lãnh đạo nhân dân và cùng nhân dân hiện thực hóa các đường lối chính sách; tiêu biểu là: Đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tạo tiền đề để chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; đường lối đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng - cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam – nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách của chủ nghĩa thực dân mới để cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... Thực tiễn của qúa trình liên tục, nhất quán Đảng lãnh đạo toàn dân tộc phấn đấu gian khổ, nhiều hy sinh để hiện thực hóa đường lối đó tạo thành một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang nhất của dân tộc ta.
Bên cạnh những thành tựu vô cùng to lớn, Đảng cũng mắc những sai lầm, thiếu sót, trong đó, có cả những sai lầm, thiếu sót lớn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Tuy thế, những sai lầm, thiếu sót và những hậu quả đó không phủ định thành tựu của Đảng và chưa bao giờ nghiêm trọng đến mức đẩy dân tộc vào nguy cơ sụp đổ, hoặc tình trạng bế tắc, tương lai mờ mịt không có lối thoát như luận điệu xuyên tạc, thổi phồng của các thế lực thù địch.
Ngược lại, những sai lầm, thiếu sót và những hậu quả do chúng gây ra từng là nhân tố đánh thức ý thức trách nhiệm của Đảng đối với chính mình và đối với dân tộc, kích thích tinh thần dũng cảm tự phê bình của Đảng. Ai cũng biết rằng công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng có “xuất xứ” không chỉ từ kết quả của việc “nhận thức lại” lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm bắt đầy đủ hơn thực tiễn cuộc sống mà còn có “xuất xứ” từ kết quả của sự “mổ xẻ” những thiếu sót, sai lầm mắc phải trong các thời kỳ mà trực tiếp là thời kỳ thực hiện chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp.
Điều đó có thể xem như một minh chứng nổi bật cho lời nói nổi tiếng của V.I.Lênin: “Thái độ của một chính đảng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất và chắc chắn nhất để xem xét đảng ấy có nghiêm túc không và có thực sự làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động không. Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy – đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, rồi đến quần chúng” (3) Lợi dụng lúc toàn Đảng, toàn dân góp ý cho Đảng với tình cảm chân thành và mục đích xây dựng để tiến tới Đại hội lần thứ XI, các thế lực thù địch tung ra những luận điệu phủ nhận Đảng, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Bất cứ người nào khi nghe những luận điệu ấy mà không quên sự kiện ở Liên Xô cách đây 20 năm - khi mà Goocbachốp đứng trước sức ép của các thế lực thù địch ở ngoài nước và các thế lực chống đối ở trong nước đã có hành vi phản bội tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô - thì sẽ hiểu ngay rằng những luận điệu do các thế lực thù địch nhắc lại hiện nay “gài đặt” đầy cạm bẫy.
2. Phải chăng tất cả các nước đều phải lựa chọn chế độ đa đảng và ở Việt Nam dưới chế độ một đảng không có dân chủ?
- Trong số hơn 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, đại đa số thực hiện chế độ chính trị chính đảng, trong số đó có hơn 160 nước thực hiện chế độ đa đảng (4) chế độ đa đảng ở các nước phương Tây xuất hiện tương đối sớm, ví dụ ở nước Anh từ thế kỷ XVII do tác động mạnh mẽ của sự phân cực xã hội sâu rộng và đấu tranh giai cấp gay gắt trong nghị viện Anh đã hình thành hai đảng Whig và Tory... Trải qua mấy trăm năm tìm tòi và phát triển thể chế đa đảng ở các nước phương Tây đã hình thành một loạt phương thức và quy tắc vận hành thích hợp với điều kiện các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa và, xét về tổng thể, chúng đã phát huy được hiệu quả thúc đẩy xã hội phương Tây phát triển, trong đó có những kinh nghiệm, bài học đáng để các nước khác tham khảo. Thế nhưng thể chế đó dựa trên nguyên tắc các đảng thay nhau cầm quyền căn cứ vào kết quả bầu cử theo định kỳ mà sự thay nhau đó thường chỉ là giữa đảng tư sản này và đảng tư sản khác (Cộng hòa hay Dân chủ ở Mỹ, Công đảng hay đảng Bảo thủ ở Anh...), còn bầu cử thì tuy là phổ thông nhưng ưu thế lá phiếu vẫn nghiêng hẳn về phía người giàu. Thể chế đó thúc đẩy xã hội phát triển trong giới hạn của chế độ tư bản, quyền lực xã hội gần như hoàn toàn do giai cấp tư sản chi phối.
Ở nhiều nước đang phát triển, chế độ chính trị chính đảng xuất hiện muộn hơn so với các nước phương Tây và cũng khác các nước phương Tây ở chỗ nhiều nước đang phát triển lựa chọn chế độ một đảng. Điều đó có căn nguyên của nó: các chính đảng ở các nước này thường xuất hiện trong điều kiện đất nước còn bị chủ nghĩa thực dân nước ngoài thống trị. Mục tiêu đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho đất nước là mục tiêu bao trùm và thiêng liêng nhất. Mục tiêu ấy quy tụ những người con ưu tú, tiêu biểu nhất của đất nước hình thành một chính đảng thống nhất để đoàn kết các lực lượng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng. Sau khi giành được độc lập cho đất nước, chính đảng này trở thành lực lượng chính trị độc tôn lãnh đạo đất nước trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển. Thành công của đảng trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn thử thách xuất hiện do mặt bằng xuất phát còn thấp, do tác động của những biến động liên tục xảy ra trên thế giới... củng cố uy tín của đảng và tiếp tục khẳng định địa vị độc tôn lãnh đạo của đảng đối với đất nước... Điều phù hợp với chân lý tự nhiên và là một thực tế cần phải được tôn trọng đó tự nó bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch lấy việc đề cao tuyệt đối chế độ đa đảng để phủ nhận một cách xô bồ chế độ một đảng.
Thực hiện chế độ một đảng hay đa đảng là sự lựa chọn thận trọng của mỗi nước căn cứ vào điều kiện chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội... của nước đó.
Thực tế từ trước đến nay cho thấy bất cứ sự lựa chọn chủ quan, tùy tiện nào trong lĩnh vực này cũng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng buộc phải trả bằng cái giá rất đắt. Có thể đưa ra hàng loạt ví dụ về vấn đề này: Đã có thời kỳ một số nước Mỹ La tinh sao chép chế độ đa đảng của phương Tây và các nước này đã phải trả giá là những cuộc chính biến quân sự, đảo lộn chính quyền, kinh tế trì trệ.
Cũng như vậy, những năm 1990 một số nước châu Phi đã sao chép mô hình đa đảng của phương Tây, kết quả là năm 1996 các nước đó đã xẩy ra xung đột và hỗn loạn (Nigiêria, Xieraleon, Burunđi ...) chỉ trong năm 1997 đã có ba tổng thống bị lật đổ. Trong thời kỳ biến động chính trị ở Đông Âu, bẩy nước (trừ Rumania chạy theo trào lưu dân chủ phương Tây, cải cách chế độ chính trị, thay đổi chế độ chính đảng, chuyển từ chế độ một đảng – Đảng Cộng sản lãnh đạo – sang chế độ đa đảng và hậu quả dẫn đến là khi tranh cử với các đảng khác, Đảng Cộng sản bị thất bại.
Năm 1990, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Goocbachốp thực hiện cải cách thể chế chính trị theo chế độ tổng thống và chế độ đa đảng của phương Tây; ngay sau đó các đảng phái và tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Liên Xô đua nhau xuất hiện. “Chỉ trong vòng nửa năm có 90 ngàn đoàn thể xã hội phi chính thức trong đó có 20 chính đảng có tính toàn quốc, hơn 500 chính đảng ở cấp nước cộng hòa; ngay cả Đảng Dân chủ lập hiến của giai cấp tư sản đã bị xóa sổ sau Cách mạng Tháng Mười cũng được nhen nhóm lại” (5).
Từ mùa xuân năm 1990, Đảng Cộng sản Liên Xô lần lượt mất địa vị cầm quyền ở một số nước Cộng hòa Liên bang và cuối cùng hoàn toàn sụp đổ. Gần đây hơn nữa một số nước nguyên là những nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây lâm vào tình trạng mất ổn định chính trị. Có thể xem đó là sự phản ứng của những thành tựu mà nhân dân các nước đó đã giành được trong 70 năm dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất (Đảng Cộng sản Liên xô) nhưng đã bị đẩy lùi bởi sự du nhập chế độ đa đảng dưới ảnh hưởng của những cuộc “cách mạng” mang cái tên mỹ miều là “cách mạng sắc mầu”, “cách mạng màu da cam”...
- Luận điệu nói rằng dưới chế độ một đảng ở Việt Nam không có dân chủ đã bị thực tế bác bỏ. Luận điệu ấy có thể phát sinh từ sự thù địch, ác ý, cũng có thể phát sinh từ cách nhìn nhận không khách quan do chỉ lấy nền dân chủ trong chế độ đa đảng ở các nước phương Tây làm hệ quy chiếu. Nhưng cả hai đều dẫn đến kết quả sai lầm: không hiểu nổi thực chất cách mạng Việt Nam và tiến trình dân chủ trong cuộc cách mạng này.
Khác với các nước phương Tây, tiến trình dân chủ ở Việt Nam trong giai đoạn đầu của cách mạng - giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (từ năm 1945 - 1954 ở miền Bắc, từ 1945 - 1975 ở miền Nam) - là một tiến trình “kép”. Đánh đuổi thực dân để giành lại độc lập cho dân tộc thực chất là cuộc đấu tranh giành dân chủ vĩ đại, bởi nó đưa những người nô lệ bị áp bức gần một thế kỷ lên địa vị làm người. Hơn nữa thành tựu dân chủ này lại là điều kiện tiên quyết để tạo nên các thành tựu dân chủ khác. Chính việc giải quyết thành công vấn đề này đã đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” có thể lừa gạt một số người ở đâu đó, nhưng không thể lừa gạt người Việt Nam. Song song và kết hợp với đánh đuổi thực dân là đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến để đem lại những quyền dân chủ tối thiểu và bức thiết cho giai cấp nông dân chiếm gần 90% dân số cả nước là ruộng đất và các quyền tự do dân chủ khác. Việc giải quyết dân chủ này - xét về ý nghĩa lịch sử - có “tầm cỡ” như cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã “khai sinh” ra chế độ tư bản ở các nước phương Tây hai ba thế kỷ trước đây.
Nhưng tiến trình dân chủ ở Việt Nam không dừng lại ở đó. Bước vào giai đoạn cách mạng tiếp theo – giai đoạn cách mạng XHCN – việc xác lập địa vị là chủ và thực thi quyền làm chủ của nhân dân trở thành nội dung trọng tâm của tiến trình dân chủ, bao quát toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị. Cơ chế vận hành tổng thể của xã hội – Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ - luôn phát huy tác động thúc đẩy sự năng động của tiến trình dân chủ không chỉ ở “bên trên” của thượng tầng xã hội theo hướng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, mà còn ở “bên dưới” trên địa bàn rộng lớn bao gồm tất cả các đơn vị cơ sở và các cộng đồng dân cư. Cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (nay là pháp lệnh dân chủ ở cơ sở) diễn ra từ năm 1998 đến nay đã đạt được kết quả to lớn: nâng cao nhận thức về dân chủ và năng lực thực hành dân chủ của đông đảo nhân dân, củng cố thêm bản lĩnh của họ trong việc bảo vệ và phát huy những thành quả dân chủ đã đạt được làm cho quá trình dân chủ hóa không thể dừng lại, không thể đảo ngược, đồng thời làm cho nhu cầu dân chủ tiếp tục thấm sâu vào mọi quan hệ xã hội ... Đặc biệt là cơ chế đó tỏ ra hữu hiệu trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình không chỉ qua hình thức dân chủ gián tiếp mà còn qua hình thức dân chủ trực tiếp.
Nền dân chủ ở Việt Nam thể hiện kết tinh những truyền thống tinh hoa của dân tộc, tạo nên những nét độc đáo Việt Nam . Tính độc đáo đó biểu hiện điển hình, chẳng hạn ở việc xác định thể chế chính trị của Việt Nam ngay sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946 là “cộng hòa, dân chủ nhân dân” chứ không sao chép mô hình “cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị” của các nước tư bản, cũng không theo mô hình “cộng hòa Xô Viết” như Liên Xô. (6)
Đồng thời nền dân chủ ở Việt Nam tiếp thu có chọn lọc giá trị của các nền dân chủ khác, kể cả dân chủ tư sản và áp dụng những giá trị ấy phù hợp với điều kiện Việt Nam, ví dụ: tiếp thu những kinh nghiệm của nhà nước pháp quyền tư sản để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tiến trình của nền dân chủ ở Việt nam cũng đi theo quy luật chung: tiệm tiến từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Ở mức độ chưa hoàn thiện và đang từng bước hoàn thiện nền dân chủ Việt Nam khó tránh khỏi nhược điểm, khiếm khuyết... nhưng đó là những nhược điểm, khiếm khuyết trong bước trưởng thành sẽ dần được khắc phục.
Là lực lượng lãnh đạo cộng cuộc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tỏ thái độ thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, của những người thiện chí, thậm chí của cả những người chưa đủ thiện chí nhưng trung thực; đồng thời Đảng cũng tỏ thái độ kiên quyết bác bỏ những luận điệu thù địch, xuyên tạc, phủ định thành tựu của Đảng trong lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển dân chủ ở Việt Nam vì như thế cũng là phủ định thành tựu dân chủ rất to lớn mà dân tộc đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
Thanh Thảo
-----
(1) Viện Thông tin khoa học xã hội: Tài liệu phục vụ nghiên cứu. số TN 2005 – 13 tr 8.
(2) Trích theo Trần Văn Giàu trong sách : “Ý thức hệ tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử”. NXB CTQG. HN. 1996. tr 573.
(3) V.I.Lênin Toàn tập, NXB Tiến Bộ. M. 1977. Tập 41, tr 51.
(4) Xem: Viện thông tin khoa học xã hội. Tài liệu phục vụ nghiên cứu. Số TN 2005 – 15, 16
(5) Xem: Viện Thông tin khoa học xã hội. Tài liệu phục vụ nghiên cứu. Số TN 2005 – 15 và 16.
(6) Xem: Nguyễn Văn Yểu “Một số ý kiến về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đăng trong thông tin lý luận chính trị, bản tin của Hội đồng lý luận Trung ương 12(85)/ tháng 6/2009 tr 6.