Dân Việt

Nuôi trồng thuỷ sản cần chi trả dịch vụ môi trường rừng

31/07/2012 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Nhìn tổng thể thì ngành thủy sản nước ta đang phát triển thiếu tính bền vững, thiếu chiến lược dài hạn trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngành thủy sản nước ta những năm qua phát triển mạnh, đưa lại giá trị kinh tế lớn và tạo nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì ngành thủy sản đang phát triển thiếu tính bền vững, thiếu chiến lược dài hạn trong công tác bảo vệ môi trường.

Đem lại hiệu quả cao

Theo ông Phạm Hồng Lượng- Phó Giám đốc Quỹ Môi trường rừng Việt Nam, ngành thủy sản muốn phát triển bền vững thì cần có sự tái đầu tư cho công tác phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước tự nhiên. Còn ông Nguyễn Như Độ- Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: “Rừng ngập mặn được bảo vệ ngoài tác dụng chắn sóng, ngăn mặn còn đem lại những giá trị kinh tế lớn đối với ngành thủy sản. Dưới tán rừng Vườn quốc gia U Minh, tôm cá phát triển tự nhiên có năng suất và chất lượng tốt, giá thường cao hơn rất nhiều so với sản phẩm nuôi trồng công nghiệp”.

img
Việc bảo tồn sinh thái tốt ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy (Nam Định) đã mang lại lợi ích cho người dân.

Ông Nguyễn Viết Cách- Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) cho biết: “Việc bảo vệ và phát triển tốt hệ sinh thái của khu bảo tồn đã được quốc tế đánh giá cao, đối tượng được hưởng lợi chính là người dân trong vùng. Những năm qua, nghề nuôi ngao xuất khẩu ở tỉnh Nam Định phát triển mạnh, đưa lại thu nhập lớn cho người dân do môi trường tự nhiên được bảo vệ, con ngao sinh trưởng mạnh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là người sử dụng môi trường rừng tự nhiên chưa quan tâm đến việc tái đầu tư bảo vệ môi trường”.

Trong khi đó, theo TS Bùi Thế Đồi (Trường Đại học Lâm nghiệp), ngành nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh phía Bắc cũng đang phát triển dựa chính vào môi trường rừng tự nhiên trong khu vực (yêu cầu nguồn nước phải đảm bảo từ 15 - 18 độ C), vì thế nếu không có chính sách giữ rừng và làm sạch nguồn nước tự nhiên, sẽ khó phát triển bền vững được nghề nuôi cá nước lạnh tại khu vực này.

Giữ rừng để bảo vệ nguồn nước

Công ty TNHH Hợp Thành (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) sử dụng môi trường Vườn quốc gia Ba Bể để nuôi cá tầm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này thường xuyên gặp khó, khi nguồn nước không được quản lý, giám sát chặt, đã xảy ra hiện tượng nhiễm độc nguồn nước và gây thiệt hại kinh tế trực tiếp.

Theo TS Don Macintosh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới, Việt Nam chưa có chính sách tái đầu tư bảo vệ môi trường rừng trong ngành nuôi trồng thủy sản. Nếu thực hiện được chính sách này và các doanh nghiệp được quốc tế chứng nhận sản phẩm tham gia bảo vệ môi trường thì giá trị mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao, đặc biệt vào thị trường châu Âu.

Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Công ty TNHH Thanh Huy, triển khai dự án sản xuất cá hồi giống. Công ty đã nhận khoán khoanh nuôi 3.000ha rừng đầu nguồn và đầu tư 45 tỷ đồng để bảo vệ nhằm tạo nguồn nước cho dự án nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Quang Huy, nếu có một chính sách đồng bộ trong bảo vệ phát triển rừng, công ty sẽ không phải trực tiếp kiêm nhiệm việc khoanh nuôi bảo vệ rừng và không phải đầu tư kinh phí lớn đến 45 tỷ đồng như vậy.

Ông Nguyễn Bá Ngãi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong chăn nuôi thủy sản thực sự cần thiết và cấp bách. Tổng cục đang nghiên cứu chi tiết để trình Chính phủ đề án này, với mong muốn chính sách này sẽ tạo bước đột phá trong chiến lược bảo vệ môi trường ngành thủy sản một cách bền vững”.