“Tháng Bảy về rồi, chưa tìm thấy anh em, giấc ngủ tôi cứ chập chờn, day dứt” - ông Tiêm tâm sự.
Trằn trọc từng đêm
22 tuổi, chàng trai Nguyễn Thanh Tiêm nhập ngũ, vào Tiểu đoàn đặc công (K10) thuộc Tỉnh đội Quảng Trị. Tiểu đội tinh nhuệ của ông luôn có mặt trong những trận đánh lớn. Vào những năm 1966 - 1967, chiến trường Quảng Trị hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tiêm dò lại tên tuổi, địa danh trong cuốn sổ sinh tử để đi tìm đồng đội. |
Ký ức ông Tiêm vẫn còn nhớ như in trận đánh ở La Vang năm 1967: “Lúc giáp lá cà, 3 anh em chỉ có một khẩu súng, còn lại là lựu đạn, mìn tự chế… Trận đó, ta đã đánh lui một sư đoàn của địch”.
Ông Tiêm bị một viên đạn xuyên từ phía lưng trái sang nách phải. 40 năm sau ngày hòa bình trở lại, mỗi lần nhớ đến vết thương, ông vẫn thẫn thờ tự hỏi không biết vì sao mình lại may mắn đến kỳ lạ. “Có lẽ tôi được đồng đội che chở” - ông Tiêm nói.
Rời quân ngũ, ông trở về công tác ở Thị ủy thị xã Đông Hà. Đến năm 1990, ông về hưu. “Kể từ khi nhận quyết định nghỉ hưu đến giờ, ngày nào ông ấy cũng cặm cụi với việc đi tìm đồng đội. Rõ khổ, mỗi lúc trái gió trở trời vết thương hành hạ, sức khỏe yếu lại bị tiểu đường, thế mà ông không chịu nghỉ ngơi lấy một ngày”- bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Tiêm, cho biết. Ông Tiêm nhìn vợ âu yếm: “Nói thế thôi chớ cũng nhờ sự động viên, chăm lo của bà ấy mà mấy chục năm ni cuộc sống gia đình dù không khấm khá, tui vẫn an tâm đi tìm đồng đội. Việc nhà, mình bà ấy lo hết”.
Những ngày lặn lội từ rừng rú cho đến đồng bằng tìm đồng đội, những khi kiệt sức, ông vẫn thường đưa bàn tay sờ lên vết thương rồi tự nhủ, đồng đội mình hàng trăm người ngã xuống cho mình được sống. Thế là tinh thần ông lại phấn chấn hẳn lên, tiếp tục xông pha. “Cách đây khoảng chục năm, có một người dân ở Hải Lăng trong lúc đào móng làm nhà đã tìm được 2 cuốn sổ sinh tử của K10 (một cuốn ghi danh sách Tiểu đoàn K10, cuốn còn lại ghi tên và địa điểm các đồng chí hy sinh). Tui liền tìm đến xin nhận. Từ hôm đó việc tìm các anh có phần thuận tiện hơn” - ông Tiêm cho biết.
Lại ba lô lên rừng
10 năm nay, ông Tiêm luôn mang cuốn sổ quý ấy bên mình. Ngày nào tìm đồng đội ở đâu, tên gì ông đều nhớ rất rành mạch. Tranh thủ ban đêm, ông biên thư về cho gia đình các anh để báo địa điểm chính xác nơi các anh nằm lại. Bao nhiêu lá thư đi, bấy nhiêu lần gia đình ông đón thân nhân đồng đội tìm về, có tháng suốt 30 ngày đón khách. Rồi đích thân ông khăn gói cùng họ đi tìm hài cốt thân nhân.
“Đầu năm 2012 đến nay, tui tìm được 5 đồng chí rồi. Còn nhớ hôm tìm được đồng chí Lưu Tôn Đoàn, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cả đoàn ai cũng mừng rơi nước mắt” - ông kể.
Chia tay tôi, ông Tiêm lại tất bật xếp mấy bộ quân phục vào chiếc ba lô cũ sờn. Ông bảo: “Chuẩn bị bây giờ để sáng mai lên đường sớm vào rừng Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Nửa tháng ni tui lặn lội xác định vị trí, tìm đồng chí Lương Khắc Thành quê Lạng Sơn, nhưng vẫn chưa tìm được”.
Uyên Minh