42 tỉnh và hơn 20 bệnh viện T.Ư đã xây dựng xong cơ cấu giá viện phí mới và từ đầu tháng 8 sẽ áp dụng. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ cho thấy, nhiều vật tư, thuốc ít hoặc thậm chí không sử dụng cũng được đưa vào tính giá.
Đồng loạt tăng giá trong tháng 8
Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến ngày cuối cùng của tháng 7, đã có 42 tỉnh được thông qua giá dịch vụ y tế mới và sẽ đồng loạt áp dụng trong tháng 8 và 9 tới. 5 bệnh viện (BV) T.Ư đã áp dụng giá viện phí mới, 22/38 BV còn lại cũng đang chờ phê duyệt.
Người bệnh và thân nhân có thể phải chịu nhiều chi phí vô lý từ phía bệnh viện (ảnh minh họa). |
Có 4 tỉnh định giá ở mức trên 90% so với mức khung của liên Bộ Y tế - Tài chính là Khánh Hòa (95%), Cao Bằng (93%), Ninh Thuận và Đồng Tháp (91%). Có 4 tỉnh ở mức trên 80% là Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bến Tre đều 84%, Vĩnh Long gần 82%. Các tỉnh còn lại chỉ trên 70% mức khung do Bộ Y tế đề ra.
“Có sự chênh lệch này là do nhiều tỉnh có giá đấu thầu thuốc và vật tư y tế quá cao. Đồng thời, họ cũng chưa xây dựng cơ cấu giá dựa trên tình hình thực tế tại địa phương như khả năng khám chữa bệnh, cơ sở, trang thiết bị...” – ông Phúc cho biết.
Trước thông tin Bộ Y tế cho rằng việc các tỉnh có định giá 90-100% mức khung cũng hợp lý, ông Phúc cho biết, tiêu chuẩn phòng khám để đưa ra mức khung 100% đối với các BV hạng 1 phải đầy đủ: Bàn khám, ghế ngồi, có khử khuẩn, điều hòa, máy hút ẩm, máy nước, máy in đơn thuốc, máy phát số khám…
Tuy nhiên, các tỉnh hầu như chỉ tính ở 2 mức có điều hòa và không có điều hòa. Nếu chỉ có điều hòa còn các yếu tố khác không đủ thì cũng không thể tính giá bằng 100% khung. Ngoài ra, nếu BV khám 50-80, thậm chí hàng trăm bệnh nhân trên một bàn khám/ngày thì không thể thu hết giá 30.000 đồng/lần khám. “Tuy nhiên, các BV, sở y tế đã không tính đến yếu tố đó mà thường định giá “cả cục” – ông Phúc cho biết.
Nhiều chi phí… lạ
Như NTNN số 182/2012 đã phản ánh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau khi rà soát lại định mức cơ cấu kỹ thuật, mức định giá dịch vụ y tế của nhiều nơi đã phát hiện nhiều “chuyện lạ”.
Ví dụ, đối với dịch vụ có chi phí mực in cho một lần siêu âm màu tim và mạch máu của BV T.Ư Huế mất tới 14.000 đồng, giấy in ảnh màu mất 5 tờ (935 đồng/tờ), giấy in đen trắng 2 tờ (gần 3.000 đồng/tờ), găng tay 2 đôi (giá 4.150 đồng/đôi). Giấy lau cho bệnh nhân mất 2 tờ (giá 500 đồng/tờ), nhưng giấy lau cho bác sĩ lại “đẳng cấp” hơn khi cần 2 tờ với giá 1.250 đồng/tờ; găng tay hết 2 cái (giá 1.199 đồng/cái), mũ giấy 3 cái (1.199 đồng/cái)...
“Chẳng có lý nào siêu âm một bệnh nhân mà bác sĩ phải thay 3 mũ giấy, 2 đôi găng tay, in ảnh tới 5 lần cả” – ông Phúc thắc mắc.
Cũng siêu âm nội soi của BV Huế, cần tới 7 cái mũ, 7 khẩu trang, 9 đôi găng tay, chưa kể khẩu trang cũng đắt hơn khẩu trang siêu âm tim (1.400 đồng/chiếc). Như vậy, cùng một BV nhưng giá vật tư y tế cứ “búa xua”.
Ở Cao Bằng, trong cơ cấu giá dịch vụ châm cứu laser, mặc dù không cần sử dụng kim nhưng cũng định giá tới 3 chiếc kim dài 15-20cm (2.500 đồng/chiếc) và 2 kim ngắn 6-8cm (600 đồng/chiếc), tiền bông cũng hết 2.100 đồng/lần châm...
“Thực tế, nhiều BV tiết kiệm bằng cách 1 bệnh nhân có thể dùng đi dùng lại 1 kim tiêm sau khi đã hấp khử khuẩn” – ông Phúc cho biết.
Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), dịch vụ chụp động mạch chủ bụng còn đưa những thứ mà BV không còn sử dụng vào giá thành như 4 phim 35x40cm (tổng chi phí 228.000 đồng/lượt chụp), thuốc cản quang chỉ cần dùng 1 lọ/lần chụp thì BV xây dựng tới 2 lọ (chi phí 1.134.000 đồng).
Ngoài ra, nhiều tỉnh đề xuất rất lãng phí khi “đệm da bọc bàn khám cũng cần thay 1 năm/lần, 1 bộ bàn ghế khấu hao 25%/năm, nhổ răng sữa mà cần tới 1 ống thuốc tê/em trong khi răng sữa dễ nhổ, không cần hoặc chỉ cần chấm chút thuốc tê là được…
Diệu Linh