Dân Việt

Việt Nam có thể trắng tay tại Olympic 2012

01/08/2012 08:42 GMT+7
(Dân Việt) - Việc Thể thao Việt Nam (TTVN) nhiều khả năng trắng tay tại Olympic 2012 không làm giới chuyên môn bất ngờ, vì đó là hệ quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị chưa tốt...

Không bất ngờ

Nối bước Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), chiều 31.7, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh cũng đã phải chia tay Olympic 2012. “Tôi không bất ngờ và cũng không thất vọng khi Tiến Minh bị loại bởi thể lực của Minh đã suy giảm rất nhiều trong thời gian qua. Trong thể thao nói chung, đặc biệt là cầu lông, yếu tố “kỵ dơ” cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Có thể VĐV nào đó có thứ hạng thấp hơn Minh nhiều nhưng vẫn có thể thắng anh do sự khác nhau trong lối chơi” - ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao phân tích.

img
Niềm hy vọng có huy chương Olympic của thể thao VN chỉ còn đặt vào võ sĩ taekwondo Lê Huỳnh Châu (phải).

Thực tế, với lực lượng của đoàn TTVN dự Olympic 2012, người lạc quan nhất cũng chỉ dám hy vọng, chứ không thể tin tưởng vào việc họ sẽ giành huy chương. Theo ông Hồng Minh, có thể thành tích của môn thể dục dụng cụ, rowing Việt Nam tại Olympic thấp hơn khả năng của chính họ tại SEA Games, các giải đấu châu lục… nhưng về cơ bản, Olympic đã phản ánh đúng trình độ của VĐV Việt Nam.

Ở môn cử tạ hạng 56kg, CHDCND Triều Tiên đã thành công trong việc bí mật giấu kỹ quân bài chiến lược là Yun Chol Om. Các nước trong đó có Việt Nam đều bị bất ngờ khi Yun Chol Om thi đấu ở nhóm B mà lại đạt tổng thành tích 293kg. “Theo tôi, Quốc Toàn đã rất nỗ lực rồi. Và việc Toàn không giành huy chương cũng không làm tôi bất ngờ bởi sự ổn định, kinh nghiệm, năng lực của Toàn không bằng Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008” - ông Minh nhận định.

Đầu tư cho Olympic 2016

Không quá khi dành những lời khen tặng cho màn thể hiện của các VĐV Việt Nam tại Olympic 2012, đặc biệt khi họ chỉ được tập trung đầu tư trọng điểm khoảng nửa năm trước khi Olympic 2012 khởi tranh. Trong khi đáng ra quá trình chuẩn bị, định hướng phải có ngay sau khi Olympic 2008 khép lại.

Dù không thể lọt vào chung kết, nhưng thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tại Olympic 2012 đều rất đáng khen.

“Hôm qua, một chuyên gia thể thao (đề nghị giấu tên) cho biết, mấy năm trước, giới chuyên môn cũng đã nhìn thấy năng lực của Trần Lê Quốc Toàn rồi, nhưng lại không đầu tư cho Toàn từ thời điểm đó.

Lúc này, chúng ta đã nhìn thấy tài năng của Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), nhưng làm sao để giúp họ có thể phát triển đến độ “chín” lại là chuyện khác. Còn ông Hồng Minh thì thẳng thắn cho rằng: “Tôi nghĩ, sau Olympic 2012, TTVN phải chọn ra những điểm sáng để đầu tư trọng điểm thì mới mong có cơ hội ở Olympic 2016”.

Phía trước, TTVN vẫn còn niềm hy vọng cuối cùng ở môn taekwondo. Nhưng trong khi Chu Hoàng Diệu Linh (-67kg nữ) có rất ít cơ hội, thì Lê Huỳnh Châu cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nếu muốn lọt vào bán kết. “Huỳnh Châu từng có HCĐ thế giới 2011 nhưng đó là ở hạng -63kg nam. Tới Olympic, anh phải ép cân xuống hạng -58kg và đối mặt với rất nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới. Tôi chỉ dừng ở mức hy vọng Châu có huy chương” - ông Minh bộc bạch.

Rowing nữ VN nỗ lực bất thành

Sau khi thi đấu không thành công, chiều qua (31.7), bộ đôi Phạm Thị Hài-Phạm Thị Thảo của VN tiếp tục đua tranh vé vớt vào bán kết rowing thuyền đôi nữ hạng nhẹ. Những nỗ lực của Hài - Thảo chỉ giúp họ cán đích áp chót với thời gian 7 phút 37 giây 64, không thể có mặt ở bán kết. Chiều 4.8 tới, Hài-Thảo sẽ thi đấu để xác định thứ hạng từ 13 đến 17.

Tiến Minh chia tay Olympic

Sau khi thắng nhọc nhằn 2-1 (17-21, 21-14, 21-10) trước Yuhan Tan (Bỉ, hạng 54 thế giới) trong trận ra quân, chiều 31.7, tay vợt VN Nguyễn Tiến Minh (hạng 11 thế giới) đã bước vào cuộc đọ sức có ý nghĩa tranh ngôi đầu bảng D môn cầu lông nam Olympic 2012 với “người quen” Parupalli Kashyap (Ấn Độ, hạng 21 thế giới). Điều không ai mong muốn đã tới khi Tiến Minh thua chóng vánh 0-2 (9-21, 14-21), qua đó chia tay Olympic đầy thất vọng.

Anh mất HCB thể dục dụng cụ

Rạng sáng 31.7, trước sự khiếu nại của đoàn Nhật Bản về điểm số trong môn thể dục dụng cụ đồng đội nam, trọng tài đã phải thay đổi quyết định để đồng đội nam Nhật Bản nhận HCB thay vì xếp hạng tư. Còn đồng đội nam Anh chỉ đoạt HCĐ, thay vì tấm HCB. Đây là lần thứ 3 các trọng tài tại Olympic 2012 thay đổi quyết định (trước đó là ở đường bơi 400m tự do nam và trận tứ kết judo nam).

Thái Lan, Indonesia đã có huy chương

Hai nước Đông Nam Á Thái Lan và Indonesia đã xuất hiện trên bảng tổng sắp huy chương tại Olympic 2012. Trong khi đoàn thể thao xứ chùa vàng (Thái Lan) có 1 tấm HCB, thì đoàn thể thao xứ vạn đảo (Indonesia) cũng giành được 1 tấm HCĐ.