Dân Việt

Lộ trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học quá chậm?

01/08/2012 10:20 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù là nước sản xuất nông nghiệp lớn, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cũng như các nhà khoa học, Việt Nam vẫn quá chậm trễ trong việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học vào sản xuất.

Định hướng sớm

Tháng 7.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật công nghệ sinh học (CNSH) và sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật CNSH”. Đề án tổng thể đề ra các nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý an toàn sinh học đối với cây trồng CNSH; nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sinh học...

img
Giống ngô MON89034 rất có hiệu quả với phòng trừ cỏ dại.

Trước đó, từ đầu năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Theo lộ trình, giai đoạn 2011- 2015 phải đưa một số giống cây trồng CNSH vào sản xuất và đến năm 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của CNSH chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng CNSH chiếm 30 - 50%.

Theo PGS- TS Lê Huy Hàm- Viện trưởng Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), bước đầu chúng ta khảo nghiệm một số loại cây như bông, ngô, đu đủ và một vài loại cây lâm nghiệp. Riêng cây ngô với hai tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate, đã có các công ty như Công ty TNHH Dekalb Việt Nam khảo nghiệm với 2 sự kiện ngô chuyển gen là MON89034, NK603 và con lai mang hai tính trạng trên là MON89034 x NK603; Công ty Syngenta Việt Nam với 2 sự kiện ngô chuyển gen là Bt11, GA21 và con lai mang hai tính trạng trên là Bt11xGA21; Công ty Pioneer Việt Nam với sự kiện TC1507... được Bộ NNPTNT cấp phép khảo nghiệm.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Giáo- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho rằng: “Nhà nước cần phải đầu tư thỏa đáng vào hoạt động nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng CNSH, vì đây là công nghệ nguồn”. Cũng theo ông Giáo, việc đánh giá rủi ro của thực vật chuyển gen đối với môi trường và đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi là cần thiết. Song các nhà khoa học của nước ta chưa có kinh nghiệm về cách thức và tiêu chí khảo nghiệm cây trồng CNSH. Tuy nhiên, việc đánh giá này cũng đã được thực hiện tại 29 quốc gia có gieo trồng cây CNSH và thực tế là hàng năm chúng ta cũng đã phải nhập khẩu một khối lượng lớn sản phẩm CNSH để chế biến thức ăn gia súc.

Cây trồng chiến lược?

Theo PGS- TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), kết quả khảo nghiệm các cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam là dữ liệu bổ sung để góp phần công nhận các kết luận trên thế giới về thành tựu cây trồng chuyển gen. Có thể nói rằng, quy trình khảo nghiệm tại Việt Nam hoàn toàn mang tính kế thừa và phát huy lợi thế của một quốc gia đi sau trong việc ứng dụng cây trồng chuyển gen nhằm tiết kiệm chi phí đồng thời tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới.

Còn theo TS Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam cần đặt ra vấn đề nên hay không trồng ngô chuyển gen như một vấn đề mang tính chiến lược, bởi nhu cầu nguồn thức ăn gia súc đang ngày càng lớn. Trung bình, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập hàng triệu tấn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi, mà chủ yếu là ngô và khô dầu đậu tương... Trong khi đó, diện tích đất trồng cây phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, nông dân lại mất quá nhiều chi phí cho việc phòng trừ sâu bệnh”.

PGS - TS Nguyễn Văn Tuất- Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Với các nhà khoa học Việt Nam, cây trồng CNSH vẫn là vấn đề mới. Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NNPTNT đã được thành lập bao gồm các chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp và có sự tư vấn góp ý của các nhà khoa học của các bộ, ngành khác. Song chỉ có điều, trước đây tất cả các nhà khoa học nước ta hầu như chưa được “chạm” tới các giống cây trồng CNSH, nên không ai biết là cây trồng này phải khảo nghiệm theo các tiêu chí với các bước và cách thức như thế nào, vì thế chúng ta cần phải học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế”.

Về lộ trình đưa cây trồng CNSH vào trồng phổ biến ở Việt Nam, PGS-TS Lê Huy Hàm khẳng định: “Các cơ quan khảo nghiệm và Hội đồng An toàn sinh học đã bám sát quy chế khảo nghiệm cây trồng CNSH của Bộ NNPTNT và Nghị định 69 về an toàn sinh học. Việc đánh giá an toàn đối với các cây trồng biến đổi gen cần tiến hành trên cơ sở khoa học trước khi đưa vào sản xuất. Đồng thời các nhà khoa học cũng cần giải thích để người dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về việc ứng dụng loại cây trồng này”.

Sớm ứng dụng sẽ có lợi

Theo ông Ngô Văn Giáo: Để quản lý cây trồng CNSH, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm quản lý khảo nghiệm nhập nội giống lai (bao gồm giống CNSH) của Indonesia. Nếu Nhà nước cho phép đưa các giống ngô CNSH vào sản xuất, thì đồng thời phải có chính sách yêu cầu các công ty chủ sở hữu tổ chức sản xuất hạt giống tại Việt Nam trong vòng 2 năm sau khi được công nhận như ở Indonesia.

Nếu chính sách này được ban hành và thực thi, Việt Nam sẽ được nhiều điều lợi, đó là: Điều kiện sinh thái của Việt Nam rất phù hợp cho việc sản xuất hạt giống, công lao động Việt Nam rẻ hơn, giá thành sản xuất thấp hơn lại không tốn chi phí vận chuyển... nên đương nhiên nông dân sẽ được mua hạt giống với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giống Việt Nam cũng có thể tham gia sản xuất hạt giống gia công cho các công ty đa quốc gia, chứ không chỉ làm nhà phân phối đơn thuần với tỷ lệ chiết khấu phân phối thấp.

Ngoài ra, việc sản xuất hạt giống CNSH tại chỗ sẽ là động lực trực tiếp thôi thúc các nhà khoa học Việt Nam tích cực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới mẻ này.