Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, sau gần 3 năm áp dụng VietGAP trong sản xuất, nhận thức của nông dân về an toàn sản xuất, vệ sinh thực phẩm… đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất đã được ban hành nhằm mở rộng việc áp dụng VietGAP trên cả nước.
Một cửa hàng rau sạch VietGAP tại TP. HCM. |
Tuy nhiên, theo ông Quảng, lợi ích kinh tế của các sản phẩm sản xuất theo VietGAP chưa rõ ràng, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh khiến nông dân e ngại. “Cái khó lớn nhất của Việt Nam hiện nay là liên kết tiêu thụ với sản xuất an toàn. Trong khi đó, chi phí sản xuất, chứng nhận sản phẩm theo chuẩn VietGAP vượt quá khả năng người dân” - ông Quảng cho biết.
TS Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cũng thừa nhận, sau 3 năm thực hiện, sản phẩm VietGAP hiện vẫn chưa có thương hiệu, bao bì bảo quản cũng như logo riêng. “Người tiêu dùng có nhu cầu dùng rau sạch nhưng không thể phân biệt được sản phẩm VietGAP với sản phẩm thường” - ông Châu giải thích.
Ông Châu cho rằng các mô hình VietGAP thành công hiện nay đều do giải quyết tốt mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, có thể kể đến như mô hình hợp tác bao tiêu giữa Saigon Co.op với hộ sản xuất rau an toàn của các tỉnh trong khu vực, hay các cửa hàng bán rau, quả an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội được người tiêu dùng chấp nhận… Do đó, các tỉnh nên kêu gọi chuỗi cửa hàng, siêu thị đang kinh doanh tại địa phương thực hiện trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
“Chỉ cần tất cả các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op tại các tỉnh đều tham gia tiêu thụ sản phẩm an toàn thì đã có thể giải quyết được một lượng lớn nông sản cho nông dân rồi” - ông Châu đề nghị. Trong khi đó, ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ áp dụng VietGAP trong trồng trọt, cần yêu cầu các chợ đầu mối nông sản lớn tại TP. HCM đưa tiêu chuẩn VietGAP vào quy định nhập hàng. “Nếu không đạt chuẩn VietGAP thì chợ đầu mối cũng không được bán hàng, có như vậy mới giải quyết được vấn đề” – ông Hóa nhấn mạnh.
Còn ông Đào Duy Tâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thì cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai bán sản phẩm nông nghiệp an toàn thông qua một sàn giao dịch. Khách hàng sẽ vào đó để đặt hàng, nông dân cũng dựa theo đơn đặt hàng để sản xuất.
Thuận Hải