Dân Việt

Xã “nhường đất” hết đói nghèo

02/08/2012 10:18 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn 20 năm trước, để nhường đất cho Thuỷ điện Hoà Bình, người dân xã Huy Tường, (Phù Yên, Sơn La) chuyển lên vùng đất cao, chật hẹp trong muôn vàn gian khó. Nay, Huy Tường đã là một xã tương đối phát triển trong huyện.

Ký ức đói nghèo

Chỉ vào con đường lớn chạy xuyên suốt trung tâm xã, lão nông Lò Văn Xiếc ở bản Tân Lương 2, xã Huy Tường bảo: “Cứ nhìn cái cảnh người xe tấp nập trên con đường này, tôi lại nhớ những năm mới lập bản, lập xã. Ngày ấy đói lắm, khổ lắm, đường sá chẳng có mà đi đã đành, đến mái nhà kín mưa nắng cũng là khao khát. Mơ ước hàng ngày chỉ giản đơn là 2 bữa cơm no mà khó thành đến thế. Di dân cho thuỷ điện ngày ấy chỉ đơn giản là đi khỏi vùng lòng hồ chứ có được đầu tư tái định cư như bây giờ đâu, nên vất vả lắm”.

img
Nhiều hộ dân ở xã Huy Tường chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa cho thu nhập cao.

Bà con dân tộc ở đây chủ yếu là người Thái, Mường, vốn chỉ quen làm nương, làm ruộng và hầu hết nghèo khó. Bởi thế khi thực hiện di dân, đồng bào gặp muôn vàn khó khăn. “Nơi ở mới thiếu điện, nước, đất sản xuất và buộc phải thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất. Cuộc sống vì thế càng khó khăn bội phần" - ông Cầm Văn Mương, dân bản Muống Thượng tâm sự. Khi dòng điện từ Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình toả sáng đến nhiều vùng miền trong cả nước thì ở Phù Yên nhiều bản, làng vẫn chưa có điện. Và những người trong cuộc di dân ấy vẫn phải đối mặt với cuộc mưu sinh chẳng chút dễ dàng.

Bứt phá vươn lên

"Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nội lực của bà con trong xã cũng được phát huy cao độ. Bà con không chỉ biết trao đổi, giúp đỡ nhau, mà còn biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất" - ông Cầm Văn Loan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Huy Tường bảo vậy.

Đến với gia đình chị Cầm Thị Thích, nông dân giỏi ở bản Tân Lương, được thấy đàn lợn nái, lợn thịt tới cả trăm con. Chị Thích cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ quanh quẩn với nương, vườn, nhưng đất ít, trình độ canh tác lạc hậu nên nhiều khó khăn lắm. Mấy năm gần đây, được cán bộ xã, bản vận động chuyển đổi sản xuất; lại được Nhà nước hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nên tôi chuyển hẳn sang chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá. 5 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đã đạt gần 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ khác trong xã, bản cũng đầu tư vào chăn nuôi rất thành công.

“Từ những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chúng tôi đã vươn lên thành một xã tương đối phát triển trong huyện".

Bên khu ruộng lúa nằm trong quy hoạch gieo sạ bằng giống mới của xã Huy Tường, chị Hà Thị Liêu đang cùng chồng mải mê làm đất chuẩn bị cho vụ mùa. Chị bảo: “So với 7 năm trước thì năng suất bây giờ cao hơn nhiều rồi. Những hộ làm nương, làm vườn cũng được hướng dẫn để sản xuất có hiệu quả hơn nên bà con cũng đỡ khó khăn hơn”.

Theo ông Cầm Văn Loan - Chủ tịch Hội Nông dân xã: “Từ hai bàn tay trắng khi chuyển đến, nay bà con đã phát triển được đàn gia súc, gia cầm hàng hoá tương đối lớn với gần 600 con trâu, bò; hàng ngàn con lợn, với nhiều gia cầm, vật nuôi khác. Những mô hình kinh tế VAC, sản xuất gắn với kinh doanh trong kinh tế hộ ngày một nhiều và hiệu quả. Cả xã đã có gần 100 hộ thuộc diện khá, giàu; hộ nghèo chỉ còn 20,1%...". Đó chính là kết quả của sự đồng lòng vượt khó của bà con xã Huy Tường.