Dân Việt

Trồng rau không cần... đất

02/08/2012 07:06 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau an toàn đang được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh.

Gần 100% người trồng rau được tập huấn

Theo ông Võ Ngọc Anh - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) để đáp ứng với hoàn cảnh đất sản xuất ngày càng khan hiếm, nhất là vùng nội ô và đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân thành phố, một trong những hướng công nghệ được nghiên cứu triển khai là trồng rau không cần đất.

Từ đó, khuyến nông TP.HCM đã chuyển giao kỹ thuật trồng rau mầm quy mô nông hộ, hỗ trợ nhu cầu trồng rau sạch tự cung tự cấp cho các gia đình và sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường của các doanh nghiệp.

img
Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao.

“Đến nay, rau mầm đã trở thành sản phẩm rau sạch cao cấp phổ biến trên thị trường, góp phần đáng kể vào việc cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng của thành phố”- ông Võ Ngọc Anh cho biết. Thực tế, hiện Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cũng đã nghiên cứu thử nghiệm mô hình trồng rau trong hệ thống thủy canh tuần hoàn. Tuy nhiên, thử nghiệm đang ở giai đoạn cần mở rộng nghiên cứu thêm để có giá thành đủ sức cạnh tranh mới có thể trình diễn chuyển giao cho nông dân.

Được biết, dù là đô thị lớn nhất nước, song Khuyến nông TP.HCM đã hoạt động hiệu quả, góp phần từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của nông dân trong tập quán sản xuất nông nghiệp theo phương thức cũ, áp dụng thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, đã có 99,86% hộ sản xuất rau được tập huấn và cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn hướng dẫn “Sản xuất, sơ chế rau an toàn”; “Thực hành sản xuất rau theo VietGAP”… Tính đến nay, toàn TP.HCM có 112 tổ chức, cá nhân có sản phẩm rau được cấp chứng nhận VietGAP với sản lượng gần 10.000 tấn.

Cơ giới hóa trong sản xuất rau

Sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM bên cạnh nhiều thuận lợi, hiện cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là, tình trạng đất nông nghiệp giảm mạnh, thiếu lao động, ô nhiễm môi trường… Vì thế, để có thể tiếp tục tăng trưởng (mục tiêu trên 4%/năm giai đoạn 2008-2020), việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất, gia tăng hàm lượng công nghệ cho sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Trước mắt, TP.HCM đang tăng cường sử dụng giống F1 và bổ sung các giống rau mới, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất rau. Đến nay, có trên 95% số rau ăn lá, 100% rau ăn quả là các giống lai F1 được đưa vào sản xuất, cải thiện dần tập quán sử dụng lại giống cũ.

Đến nay, đã có trên 70% số nông dân trồng rau sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh hợp lý trong trồng rau, tạo bước chuyển biến đáng kể nhằm hướng đến sản xuất an toàn, bền vững.

Để đẩy nhanh quá trình nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, TP.HCM hiện đang áp dụng mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Đến nay, khuyến nông đã giới thiệu, đầu tư để chuyển giao 120 máy xới đất các loại và 200 máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 10 hệ thống tưới phun sương. Những hoạt động này góp phần cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất ở các vùng rau trọng điểm.

Tại vùng sản xuất rau chính của TP.HCM, 100% diện tích rau ăn quả sử dụng màng phủ; 60% số diện tích rau ăn lá có hệ thống nhà lưới; 60% số diện tích rau các loại được cơ giới hóa khâu phun thuốc BVTV, gần 90% số diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất.

Theo tính toán của ngành khuyến nông TP.HCM, nếu cơ giới hóa cả 3 khâu: Làm đất, tưới nước, phun thuốc BVTV trên 1ha rau sẽ tiết kiệm được ít nhất 100 triệu đồng/năm và nhiều lợi ích khác.