Sản phẩm đá mỹ nghệ ở Ninh Vân rất đa dạng. Từ những sản phẩm nhỏ đến các sản phẩm phục vụ công trình lớn như tượng đài, phù điêu… đều do bàn tay tài hoa của những nghệ nhân ở Ninh Vân làm ra.
Anh Đào Sỹ Huy đang chế tác đá. |
Hội ND mở lớp dạy nghề
Bà Đỗ Thị Thanh - Chủ tịch Hội ND xã Ninh Vân cho hay: "Nghề làm đá mỹ nghệ ở Ninh Vân có từ lâu đời cách đây hơn 400 năm nhưng chỉ 10 năm trở lại đây khi xã quy hoạch lại thành làng nghề tập trung thì nghề mới phát triển".
Với lợi thế nhiều đá vôi, Ninh Vân hiện có 2.800 lao động với hơn 400 hộ gia đình chuyên làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Theo bà Thanh, làm đá mỹ nghệ ở Ninh Vân là nghề cha truyền con nối, người đi trước dạy cho người đi sau. Xã có 81 doanh nghiệp thì 70 doanh nghiệp làm đá mỹ nghệ. Làng nghề không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động tại địa phương, mà cả các xã bên cạnh.
Bà Thanh cũng cho biết, năm 2011, Hội ND xã đã phối hợp với Trường Xây dựng cơ khí Thanh Bình, TP. Ninh Bình mở 3 lớp dạy nghề cho con em trong xã. Nội dung là dạy nâng cao tay nghề làm đá, chạm khắc, đục đẽo sản phẩm đá thô sơ.
Thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng
Thăm công ty sản xuất đá của anh Vũ Huy Hưởng vào một buổi chiều muộn, chúng tôi ngỡ ngàng trước những sản phẩm đá mỹ nghệ vô cùng tinh xảo ở đây.
Anh Hưởng cho biết: "Thấy nghề truyền thống của quê hương có điều kiện phát triển, cộng với sẵn có nguồn lao động dồi dào là con em trong xã đã có nghề từ trước, tôi quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Đá mỹ nghệ Ngọc Anh cách đây hơn 3 năm nay. Tôi tin mình sẽ sống vững với nghề này".
Hiện công ty của anh đang tạo việc làm cho 60 công nhân với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi năm công ty anh Hưởng thu về 1 tỷ đồng. Nguyên liệu đá vôi công ty anh mua phục vụ sản xuất chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Nam Định…
Anh Đào Sỹ Huy - công nhân Công ty TNHH MTV Đá mỹ nghệ Ngọc Anh chia sẻ: "Nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập cũng ổn định và cao. Giờ lương của tôi được 4,5 triệu đồng/tháng". Theo anh Huy, để biến những khối đá to lớn tưởng chừng như vô tri vô giác trở thành những sản phẩm đẹp mắt phải kể đến khó khăn trong việc vận chuyển những khối đá từ mỏ đá về đến địa phương, rồi cắt xẻ… Sau đó còn phải mất cả tháng trời để đục, chạm khắc hoa văn. Thậm chí, đối với những sản phẩm cần sự cầu kỳ phải 2 -3 tháng mới hoàn thành.
Từ nghề này gia đình anh Huy đã có cuộc sống khá giả. "Tôi vừa cất xong ngôi nhà cuối năm ngoái. Có nhà rồi, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, nuôi con cái học hành thành đạt" - anh Huy khoe.
Bà Thanh cho biết: Trung bình mỗi năm, doanh thu từ nghề làm đá mỹ nghệ của xã là 150 tỷ đồng. Các sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu... Trong tương lai, nghề sẽ vẫn đóng góp không, nhỏ vào nguồn thu ngân sách của xã.
Lan Dương