Ông Phú kể: "Từ thời Pháp thuộc, ông bà nội của tôi là Lê Văn Thơ và Phạm Thị Đức đã là những thương gia, có cơ sở sản xuất bánh kẹo bán buôn, bán lẻ và kinh doanh bách hóa tại thị xã Quảng Yên, thuộc khu Hồng Quảng (nay là phố Lê Lợi, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh).
Mặt trước và mặt sau của đồng xu bí ẩn |
Là những người ham mê cổ vật, lại có điều kiện kinh tế khá giả, nên các cụ rất thích sưu tầm những vật quý hiếm trong thiên hạ. Trong số những đồng xu, đồng trinh căng, bạc hào, bạc xòe… mà tôi thấy rất lạ thì có đồng tiền cổ mà các bạn vừa xem.
Phát hiện ra đồng tiền lạ, thấy nhiều khả năng đây là đồng tiền quý hiếm có giá trị lớn, tôi đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương xác nhận quyền sở hữu đồng tiền cổ đó cho tôi. Lá đơn UBND xã Yên Giang ký, đóng dấu và được phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Ninh chứng thực".
Nhờ chính quyền chứng nhận xong quyền sở hữu, ông Phú tiếp tục lên lịch trình đi xác định giá trị của đồng tiền lạ. Bằng nhiều mối quan hệ khác nhau, ông Phú đã gửi thông tin và hình ảnh về đồng xu cho môt nhà sưu tầm tem ở Mỹ có địa chỉ in trên Tạp chí Tem Việt Nam để nhờ tìm hiểu nội dung và giá trị của cổ vật này.
Đúng một tháng sau, ông Phú bất ngờ nhận được lá thư hồi âm của nhà sưu tầm tem Ah Shaw ở 91 đường Baxter, Williams Town, Massachusetts, 01267, USA.
Trong thư, ông Ah Shaw cung cấp cho ông Phú một vài thông tin về cuộc chiến tranh Mexico (1846 - 1848): "Đó cuộc chiến tranh xung đột giữa Mexico và Mỹ. Mexico phải xin hòa bình… Với Hiệp ước Guadelope Hidalgo, Mexico đòi hỏi phần đất Texas phía Bắc sông Rio Gamde và nhượng nam Mexico và Califonia cho Mỹ với số tiền 15 triệu đô la. Việc sửa đổi biên giới giữa hai nước được hoàn tất bằng Hiệp định mua Garden vào năm 1853…".
Theo như lập luận của nhà nghiên cứu này thì đồng xu mà ông Phú sở hữu chính là vật tín chấp mà Mỹ trả cho Mexico để đổi lấy phần đất phía Nam Mexico và Califonia.
Ông Phú cười hồ hởi mà rằng: "Nếu cứ từ đó mà suy ra thì đồng tiền cổ của tôi phải có giá trị là …15 triệu đô (tương đương với hơn 300 tỉ đồng tại thời điểm thực hiện bài viết này)".
Chưa dừng lại ở đó, ông Phú kể tiếp: "Sau khi câu chuyện về đồng tiền cổ của tôi được anh Đặng Vương Hưng viết trên báo Văn nghệ Công an tháng 5/2004 thì ba tháng sau, nhà báo Hồng Sơn có bài viết "Vụ án về những tài khoản bê bối trong Ngân hàng Riggs" đăng trên báo An ninh thế giới ngày 12/8/2004. Trong bài anh Sơn viết: "Riggs vào năm 1847 đã cho Chính phủ Mỹ vay 16 triệu USD trong cuộc chiến chống lại Mexico".
Tôi đã nhờ anh Đặng Vương Hưng trao đổi kỹ với anh Hồng Sơn ở bên Mỹ để khẳng định chắc chắn lại thông tin này là đúng. Như vậy, đồng tiền cổ của tôi là vật tín chấp mà Mỹ trả cho Mexico cũng sẽ có giá trị là 16 triệu đô la chứ không phải là 15 triệu đô la nữa".
Ông Phú cho biết thêm: "Qua sự giúp đỡ tìm tòi tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo và bạn bè trong giới cổ vật, tôi được biết thêm một số những thông tin quý giá liên quan đến đồng tiền cổ của mình.
Tôi được biết vào những năm 1860 - 1870, Chính phủ Mỹ đã phải vay khá nhiều tiền để chi phí trong các cuộc nội chiến… Các ông chủ ngân hàng lo ngại mức dự trữ vàng trong kho bị hao hụt nhiều. Họ rất lo sợ nếu miền Nam giành chiến thắng thì phần vay có thể bị mất trắng.
Vì thế, để đối phó với sự suy thoái, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ hồi đó là ông Salomon Chase đã phải cho phát hành thêm nhiều tiền giấy và tiền kim loại hòng đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi chế độ “kim bản vị” (được bảo đảm bằng vàng).
Phải chăng, đồng tiền cổ mà tôi đang sở hữu chính là một trong những bảo chứng thanh toán của nước Mỹ thời đó?
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Thắng