Dân Việt

Cần Thơ: Đìu hiu trung tâm văn hóa 60 tỷ đồng

02/08/2012 10:34 GMT+7
(Dân Việt) - Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao (VHTDTT) Ô Môn, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ được đầu tư hơn 60 tỷ đồng, nhiều năm qua không phát huy hiệu quả, chỉ hoạt động cầm chừng.

Trung tâm VHTDTT quận Ô Môn được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2008 nhân dịp Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Kể từ đó đến nay, trung tâm lâm vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

img
Trung tâm VHTDTT Ô Môn vắng lặng, đìu hiu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm VHTDTT quận Ô Môn rộng hơn 19ha, với nhiều công trình phụ trợ như: Nhà biểu diễn, sân khấu ngoài trời có sức chứa 3.000 khán giả, thư viện, khu sân bãi thể thao... Trung tâm được hoàn thành giai đoạn 1 trên diện tích hơn 9,5ha với kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng.

Do trung tâm nằm ở vị trí khá xa khu dân cư, cách trung tâm quận Ô Môn khoảng 3 km, lại ngay khúc cua thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông khiến đa số người dân ngán ngẩm mỗi khi đến đây. Ông Nguyễn Trung Nam - người dân địa phương bức xúc: "Nhìn bề ngoài trung tâm không khác gì một khu dân cư bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, trông vô cùng nhếch nhác".

Còn theo ghi nhận của chúng tôi, tứ bề nơi đây toàn là lau sậy mọc cao vút, phía trong trung tâm chỉ lèo tèo một vài sân bóng đá mini nhân tạo, các phòng ốc thì xuống cấp nghiêm trọng… Mặc dù mục đích xây dựng dự án này được lãnh đạo TP.Cần Thơ xác định sẽ là khu vui chơi, giải trí, VHTTDL cho quận Ô Môn, thế nhưng những năm qua các hoạt động ở trung tâm chỉ mang tính chất cầm chừng, chiếu lệ.

Ngày 30.7, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hoài Vân - Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.Cần Thơ cho rằng: Trước đây do trung tâm xây dựng mục đích chính là phục vụ Ngày hội VHTTDL đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nên thiết kế không phù hợp với hoạt động của một trung tâm văn hóa. Từ đó dẫn đến bất cập là thiếu khán phòng, sân khấu ngoài trời, cơ sở vật chất được đầu tư không đúng với yêu cầu thực tế, nguồn lực tài chính và con người thì hạn hẹp.

"Để trung tâm hoạt động lâu dài và có hiệu quả, phải đầu tư thêm cơ sở vật chất hoàn chỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước nghiên cứu thị hiếu của người dân để cùng khai thác một cách đồng bộ. Kèm theo đó là nâng cao trình độ tổ chức hoạt động của đội ngũ quản lý một cách chuyên nghiệp" - ông Vân nhấn mạnh.