Nằm sâu dưới chân núi An Cường, ngôi nhà nhỏ của Tứ còn nguyên gạch, không được tô vữa. Ba Tứ làm thuê kiếm sống, hết đi phụ hồ rồi đi lột vỏ keo thuê nuôi 3 đứa con ăn học. Mẹ Tứ quần quật với mấy sào ruộng. Ngoài giờ đi học, Tứ theo ba đi lột vỏ keo thuê, hái đậu thuê, phụ hồ tự lo sách vở, quần áo cho mình, sắm một cái máy vi tính cũ...
Góc học tập của Tứ trong căn nhà gạch chưa tô vữa. |
Khi chúng tôi đến nhà, Tứ đang ở ngoài ruộng hái đậu xanh thuê cho bà con trong làng. Bà Nguyễn Thị Hạnh (mẹ Tứ) chùi nước mắt: Con đậu thủ khoa mừng ít lo nhiều, không biết lấy tiền đâu cho nó đi học đây.
Khi còn đi học, mỗi ngày Tứ phải dậy sớm nấu cơm phụ mẹ. Trường ở bên kia sông nên em phải dậy sớm để đi đò rồi đạp xe nhiều cây số đến trường. “Bố hay tâm sự với em: Đời bố đã khổ, con phải cố gắng học để đỡ khổ hơn. Lời nói đó ám ảnh em. Và em đã quyết tâm miệt mài học tập” - Tứ tâm sự.
Từ lớp 1 đến lớp 12, Tứ luôn là học sinh giỏi, riêng 3 năm THPT, Tứ luôn dẫn đầu lớp về số điểm tổng kết. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, tứ đạt 26 điểm (toán 9,75; hóa 8,5; sinh 7,5 điểm) và trở thành thủ khoa của Trường ĐH Quảng Nam, ngành Sư phạm Sinh học.
Tứ chia sẻ bí quyết: Em tập trung học kỹ phần cơ bản của sách giáo khoa, ngoài ra học thêm sách tham khảo. Sau đó tìm tòi, truy cập thông tin trên Internet để tìm ra những phương pháp giải bài mới, những kiến thức bổ ích, nâng cao mà sách giáo khoa không có.
Lúc chia tay Tứ, chúng tôi thấy đôi mắt em lộ rõ nỗi buồn, rồi đây việc đi học đại học của mình sẽ lại chất thêm một gánh nặng lên vai bố mẹ già.
Trương Hồng