Biển mình sao phải sợ?
Sáng 2.8, tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), có hơn 30 chiếc tàu cá nạp nhiên liệu chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt. Anh Phạm Gia - chủ tàu Đna - 90068 hành nghề câu mực tại Hoàng Sa, cho biết: Chúng tôi có nghe thông tin Trung Quốc xua cả chục ngàn tàu cá xuống Biển Đông, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa. Dù có đúng như vậy, chúng tôi cũng không lo sợ. Không có lý do gì mà chúng tôi không đánh bắt trên vùng biển của mình hết. Nếu ở nhà thì tôi cũng như những ngư dân lấy gì mà sống.
Ngư dân Ngư Lộc, Thanh Hóa đánh bắt ở biển Đông. |
Anh Lê Văn Khánh - thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá Đna - 90366, cho hay: Hôm nay tàu tôi xuất phát ra Hoàng Sa để mua thủy sản của ngư dân. Tôi vẫn thường xuyên gặp tàu cá của Trung Quốc trên biển nhưng tôi luôn có một niềm tin, đó là biển đảo của mình, mình không phải ngại điều gì cả. Dù tàu cá Trung Quốc đến mấy nghìn chiếc thì cũng vậy thôi.
Sáng 2.8, khi PV NTNN có mặt tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, cũng là lúc ngư dân Lê Văn Tấn (38 tuổi) và 4 người bạn cùng xã đang kiểm tra hành lý lần cuối để chuẩn bị theo tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. Anh Tấn giọng bình thản:
Chuyện tàu cá Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa đánh bắt chúng tôi vẫn gặp, thế nhưng số lượng chỉ vài ba chiếc mà thôi. Tuy nhiên mấy ngày gần đây, qua báo, đài, chúng tôi có biết Trung Quốc đang cho mấy ngàn tàu cá khai thác trái phép tại khu vực này.
Sợ thì chắc chắn là không rồi vì Hoàng Sa là vùng biển của Việt Nam. Nếu phía Trung Quốc cho tàu vào đánh bắt ở Hoàng Sa là xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Anh em chỉ lo tình trạng này sẽ làm giảm sản lượng hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, khiến cho việc đánh bắt của ngư dân sẽ kém hiệu quả.
Tăng cường tổ đội trên biển
Ông Phạm Tấn Tân, chủ tàu QNg - 22829, ngư dân Đội tàu tự quản trên biển (gồm 6 chiếc ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), bày tỏ: Để tránh phía Trung Quốc “cậy đông hiếp yếu”, các tàu trong đội nhắc nhở nhau thường xuyên liên lạc để kịp thời hỗ trợ khi có việc gì xảy ra. Tại Khánh Hòa, ngư dân Lê Văn Hy (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết tàu ông đang chuẩn bị hậu cần để ngày mai (3.8) cùng tàu đánh bắt xa bờ do con trai ông làm thuyền trưởng ra Trường Sa.
Ông Hy cho biết cũng vừa nghe thông tin sắp tới hàng ngàn tàu cá của ngư dân Trung Quốc sẽ xuất quân đánh cá ở Biển Đông. Biết vậy nhưng ông Hy cho rằng ông cùng các ngư dân không hề nao núng. “Chúng tôi vẫn ra khơi cho dù xảy ra tình huống gì. Nếu phát hiện có tàu của nước ngoài hoặc tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, chúng tôi sẵn sàng tập trung để xua đuổi bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường”.
Ông Hy cho biết, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sắp tới, ông sẽ đầu tư đóng tàu sắt lớn để bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Chúng tôi góp sức tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ của công dân mà còn để bảo vệ ngư trường đánh bắt cho gia đình và con cháu sau này” - lời ông Hy.
Anh Nguyễn Quang Quân, chủ tàu Đna - 30359 (Đà Nẵng), cho biết: Mấy năm trước cứ hễ hết lệnh đơn phương cấm bắt cá của Trung Quốc là y như rằng tàu của ngư dân Trung Quốc tiến xuống Hoàng Sa nhiều hơn. Vì vậy đợt này tất cả ngư dân tại khu vực của tôi đã họp bàn các phương án hỗ trợ nhau trước khi ra biển. Hơn nữa lúc này chúng ta đã có tổ đội nên ra biển cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Trung tá Vũ Tín - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Đà Nẵng), cho rằng, Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã cho lập bản đồ mật danh tọa độ của các tàu cá đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Nếu xảy ra sự cố thì các tàu cá trên biển cũng như lực lượng Biên phòng sẽ xác định được ngay vị trí để kịp thời tiếp ứng.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 và những nội dung trong Quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông. Yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động trên. Hội kêu gọi hội viên, ngư dân cả nước yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phi Long
Đình Thiên - Công Xuân - Mai Khuê