Dân Việt

Sẽ đề xuất chính sách để ngư dân bám biển

03/08/2012 10:23 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện ngư dân của chúng ta đang kiên cường bám biển. Do vậy, việc Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ họ bám biển không chỉ chăm lo đời sống cho ngư dân, mà còn góp phần giúp họ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Hôm qua (2.8), phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam về phản ứng trước động thái Trung Quốc đưa 23.000 tàu cá ra Biển Đông đánh bắt cá. Ông Trác nói: Chúng tôi kịch liệt phản đối hành động này của phía Trung Quốc và sẽ có những đề xuất gửi Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp đỡ ngư dân chúng ta bám biển.

Cụ thể, Hội có những đề xuất gì để ngư dân yên tâm bám biển?

- Hiện Hội Nghề cá đã có văn bản đề xuất Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để ngư dân thành lập các tổ, đội đi đánh bắt cá, nhất là đánh bắt xa bờ. Để có những tổ, đội hoạt động tốt, chúng ta rất cần có kinh phí để hỗ trợ về huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ về dịch vụ, hậu cần, thông tin liên lạc và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân… Đồng thời, cần giúp họ nắm được các quy định, hiểu sâu hơn về Luật Biển Việt Nam khi ra khơi xa.

img
Ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá VN

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ngư dân của chúng ta đang kiên cường bám biển. Do vậy, việc Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ họ bám biển không chỉ chăm lo đời sống cho ngư dân, mà còn góp phần giúp họ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Trong thời gian qua, Hội Nghề cá đã có nhiều sáng kiến tốt để hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển?

- Thời gian vừa qua, Hội Nghề cá đã có chủ trương dựa vào quan hệ thân thiết, ruột thịt trong gia đình, dòng tộc, tình làng nghĩa xóm giữa các chủ tàu để tạo liên kết nhóm. Thay vì làm ăn đơn lẻ như trước, ngư dân sẽ đồng loạt ra khơi theo tổ, nhóm từ 6 đến 10 tàu, trong đó có phân chia tàu đánh bắt, tàu dịch vụ, tàu vận chuyển… mang tính chuyên nghiệp hơn. Sau khi thành lập được một số tổ, đội, Hội Nghề cá sẽ tổ chức huấn luyện, hỗ trợ ngư dân trang bị bộ đàm liên lạc, tổ chức về hậu cần, xăng dầu, đá ướp và tiêu thụ sản phẩm…

Với việc thành lập tổ, đội đoàn kết trên biển, ngư dân chúng ta đã khai thác, đánh bắt đã chuyên nghiệp hơn theo mô hình, tàu "con" đảm nhiệm chuyên khai thác và chuyển về tàu "mẹ". Tàu "mẹ" đảm nhiệm thu mua, sơ chế, bảo quản và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho tàu "con", góp phần giúp cho các tổ, đội bán biển trung bình từ 9 đến 10 tháng/năm. Ngoài Khánh Hoà, hiện các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi… cũng đang tích cực thành lập các tổ, đội khai thác, đánh bắt xa bờ. Theo tôi, hiện chúng ta vẫn cần tiếp tục triển khai biện pháp này.