Dân Việt

Người “gieo mầm” nghề cá

25/08/2012 08:18 GMT+7
(Dân Việt) - Là người đầu tiên làm kinh tế cá thể nghề nuôi cá đẻ, ương cá bột, cá giống trên mảnh đất Thới Hòa nhưng ông Ba Dư không vì thế mà giữ kỹ thuật lại cho riêng mình để chiếm thế độc quyền làm giàu.

Ông Nguyễn Xuân Dư (Ba Dư), ở phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP. \Cần Thơ) bảo, những năm tháng chiến tranh ác liệt đã ươm mầm nhân cách và đem đến cho ông quan điểm “sống là để cống hiến”. Và người dân nơi đây gọi ông là “người gieo mầm” cho nghề nuôi cá.

Vừa qua cầu Ô Môn, đi vào khu vực Thới Hòa, chúng tôi đã thấy các trại bán cá giống, cá bột nằm kề sát mé lộ. Đời sống nhân dân ở đây có vẻ sung túc. Rất nhiều gia đình đã xây được nhà cao tầng. Trước nhà là những chậu cây cảnh có giá trị được chăm sóc cẩn thận.

img
Ông Ba Dư (trái) trong trại nuôi cá giống.

Thời hoa lửa

Cuộc đời ông Ba Dư trải qua nhiều thăng trầm. Ông sinh năm 1947 ở Thái Bình. Từ nhỏ, Ba Dư đã gắn bó với ruộng đồng và đam mê nghề trồng trọt, chăn nuôi. Năm 1965, Ba Dư xung phong đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung. Trong một trận giặc càn, ông cùng một số đồng đội khác nổ súng thu hút địch để bảo đảm an toàn cho sở chỉ huy đang họp.

Ngay sát nhà ông, những hộ gia đình trước kia cuộc sống rất khó khăn như gia đình anh Nguyễn Văn Huệ, Bùi Văn Bé Ba… nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và vốn của ông Ba Dư đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng và vùng đất hoang hóa năm nào đã thay da đổi thịt phát triển thành một làng nghề với gần 100 hộ theo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Trận chiến không cân sức đã diễn ra suốt 3 ngày đêm... Sau một loạt đạn pháo, ông bị thương và bị địch bắt. Bọn chúng đưa Ba Dư về phòng nhì tra tấn, hỏi cung. Sau khi biết sẽ không thu được kết quả, chúng liền đày ông cùng một số đồng chí khác ra nhà lao Cây Dừa ngoài đảo Phú Quốc. Năm 1973, Ba Dư được trao trả tự do. Sau đó, thấy ông có trình độ, tổ chức quyết định cho ông đi học trung cấp thủy sản.

Năm 1976, Ba Dư tốt nghiệp loại giỏi. Lúc bấy giờ, miền Nam rất cần những người có năng lực, trình độ để tái thiết lại đất nước sau chiến tranh. Ba Dư liền xung phong vào miền Nam làm việc. Cuối năm 1976, ông tới đây nhận nhiệm vụ và làm Phó Giám đốc Trại cá giống số 1 Hậu Giang. Với những kiến thức đã học ở trường lớp, ông cùng mọi người nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ ương, nuôi cá đẻ…

Một quyết định theo lẽ sống

Nhấp một ngụm nước dừa mát lạnh trong ly, ông Ba Dư kể: Lúc bấy giờ, nghề nuôi cá trong ao đã phát triển sớm ở đồng bằng sông Cửu Long. Hầu như nhà nào cũng có một vài ao lớn nhỏ. Thời đó, do điều kiện của tự nhiên và sự khai thác tận diệt của con người, sản lượng cá bột ngày càng thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu cho nghề nuôi cá trên địa bàn nên việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra và các loại cá là một yêu cầu cấp thiết phục vụ nghề nuôi cá trong khu vực.

Năm 1980, sau một thời gian dài nghiên cứu, mày mò đúc rút kinh nghiệm, trại cá đã cho những thành phẩm đầu tiên. Nhìn lứa cá con dần dần lớn lên, ai cũng vui mừng khôn xiết. Từ đây, trại cá đã trở thành địa điểm tin cậy cung cấp nguồn cá giống nhiều loại như: Cá tra, basa, mè, chép, trắm, rô, sặc rằn… đáp ứng phần nào về nhu cầu của nghề nuôi cá trong khu vực.

Năm 1992, sau nhiều năm cống hiến, ông Ba Dư được bổ nhiệm làm Giám đốc trại cá. Đến năm 1993, ông nghỉ hưu. Và chính trong thời gian này, một làng nghề dần dần được hình thành, phát triển. Đó là nghề ương cá bột, cá giống để cung cấp cho thị trường miền Tây Nam Bộ và đã góp phần giúp cho hàng chục gia đình thoát nghèo trở nên giàu có.

Người khơi nguồn nghề cá

Thời gian đầu quay trở lại nghề với ông quả là khó khăn. Bên cạnh đó, ông lại gặp khó khăn về vốn và cơ sở vật chất. Rất may là ở cơ quan Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, sát bên nhà ông ở, có mấy ao để không, ông Ba Dư liền đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Tin tưởng vào ông, ông Ba Sang – lãnh đạo Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã ký hợp đồng, xuất kinh phí đầu tư vào nghề cá.

Sau khi hợp đồng được ký kết, bằng nghị lực và sự say mê, hàng ngày ông dậy khi trời còn chưa sáng và khi tối mịt mới bước chân về nhà, lặn lội ngụp trong nước sình lầy theo dõi, chăm sóc đàn cá bố mẹ.

Trời không phụ lòng người, năm đầu tiên, sự hợp tác đã đem lại kết quả khả quan, toàn bộ kinh phí đầu tư đã lấy lại được và tạo được nguồn lãi ổn định là đàn cá bố mẹ hàng trăm con được nuôi cẩn thận trong ao. Năm thứ hai, thứ ba rồi những năm tiếp theo, ông thu lãi hàng chục triệu đồng từ việc cung cấp cá giống, cá bột cho thị trường. Cơ sở làm cá của ông giải quyết việc làm cho hơn chục lao động với thu nhập ổn định. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân đã đến gặp “thầy Ba Dư” mong học hỏi nghề nuôi cá đẻ, ương cá bột, cá giống.

Là người đầu tiên làm kinh tế cá thể nghề nuôi cá đẻ, ương cá bột, cá giống trên mảnh đất này nhưng ông Ba Dư không vì thế mà giữ kỹ thuật lại cho riêng mình để chiếm thế độc quyền làm giàu. Những năm tháng chiến tranh ác liệt đã ươm mầm nhân cách và đem đến cho ông quan điểm “sống là để cống hiến”. Nhiều hộ gặp khó khăn về vốn, ông cho mượn giống về nuôi đến khi nào thu hoạch có lời thì trả.

Khi số lượng người làm cá đông, cùng với một số người có cùng tâm huyết và có tấm lòng với nghề, ông Ba Dư tiếp tục thành lập Câu lạc bộ “Chăn nuôi – Thủy sản”, nhờ vậy, mức độ rủi ro trong nghề cá đã được hạn chế; con cá giống xuất ra thị trường khỏe mạnh, đảm bảo về chất lượng. Hiện nay, các hộ trong câu lạc bộ có thu nhập từ 70 – 500 triệu đồng/năm (tùy theo quy mô sản xuất).

Đưa chúng tôi ra tham quan mấy hầm cá giống, ông Ba Dư cho biết: “Trước kia, tôi mua được khoảng gần 4ha đất đào hầm nuôi cá, tiền lời tính theo giá trị hiện tại là trên 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, các con tôi đều học xong, ra trường và đi làm, tôi thì không còn khỏe như trước nữa nên đã bán bớt, chỉ để lại 1ha đất gồm nhà cửa, vườn tược và 2 hầm cá với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Thú thực, nhiều người khuyên tôi bán luôn để nghỉ ngơi cho khỏe, thế nhưng tôi vẫn chưa dứt được niềm say mê với con cá và bởi nhà tôi đã là nơi quen thuộc để các cháu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ và Trung học Nông nghiệp đến nghiên cứu, thực tập hàng năm. Vì vậy, tôi vẫn còn nhiều duyên nợ với nghề lắm”.