Dân Việt

Nhân đức để đời

10/10/2010 03:05 GMT+7
(Dân Việt) - "Tương thân chén cháo trao tay/ Giúp người nghèo khó qua ngày thuốc thang...", đó là những câu trong một bài thơ do một ông lão bệnh nhân viết tặng mà tôi nhớ mãi.
img
Vợ chồng ông Lê Tấn Đức và bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

 

Cuộc đời mỗi người, ai cũng có niềm vui riêng và với gia đình tôi, niềm hạnh phúc chính là được nấu cháo từ thiện để chia bớt cái khó khăn của những mảnh đời bất hạnh phải nằm chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành (Tiền Giang)...

Gia đình tôi cũng đã trải qua những năm tháng nghèo khó, lận đận đến cùng cực. Suốt 16 năm ròng, kể từ ngày lấy nhau, vợ chồng tôi phải ở nhờ nhà người khác. Tôi làm nghề lái xe thuê, còn vợ gánh hủ tiếu bán tại chợ Tân Hiệp, tích cóp mãi cuối cùng mới mua được một căn nhà nhỏ. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, vợ chồng tôi vẫn động viên nhau gắng vượt qua để nuôi 3 con trưởng thành.

Ngay từ khi còn phải lo ăn từng bữa cho gia đình nhỏ, vợ chồng tôi đã đeo đuổi tâm niệm làm việc thiện. Vào dịp ngày rằm, ngày Tết, tôi cũng bớt xén, dành dụm gạo gửi giúp cho những gia đình thiếu ăn trong ấp. "Mình ăn thì hết, giúp bà con ăn thì còn, cha mẹ sống có nhân thì sau này con cái ắt có đức..." - vợ chồng tôi tâm niệm. Năm 2003, khi các con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, tôi bàn với vợ nghỉ nghề lái xe để làm một việc mà nhiều người cho là "gàn dở": Nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

5 giờ 30 sáng thứ 7 ngày 1-7-2003, lần đầu tiên nồi cháo từ thiện 80 suất của vợ chồng tôi được đưa đến phát tại bệnh viện huyện Châu Thành trước bao ánh mắt ngỡ ngàng và xúc động của những bệnh nhân nghèo. Với tâm niệm mình đang phục vụ những người bị bệnh, tôi cố gắng nấu cháo làm sao cho sạch sẽ thơm ngon, cẩn thận hơn cả nấu cho nhà mình ăn. Có lẽ vì thế mà nồi cháo tôi đem đến bệnh viện chưa bao giờ bị ế. Có những hôm, bệnh nhân tăng mà tôi chưa tính trước nên một số người đưa bát ra thì hết cháo. Tôi đạp xe về mà lòng nặng trĩu, hình ảnh những chiếc bát không cứ ám ảnh mãi…

Một thời gian sau, nhiều bà con, nhà hảo tâm đã tìm đến gia đình tôi xin được đóng góp nấu cháo tất cả các ngày trong tuần. Tiếp đó, tôi nấu thêm một nồi sữa đậu nành và tăng lên 100 suất. Ngày lại ngày, 3 giờ sáng, vợ chồng tôi thức dậy nhóm lửa vo gạo để kịp 5 giờ 30 sáng lấy xe ba gác chở cháo đến bệnh viện phát cho bệnh nhân.

Gần 7 năm qua, đều đặn và liên tục, bất kể trời nắng hay mưa, khỏe mạnh hay đau yếu, mỗi ngày vợ chồng tôi đều nấu một nồi cháo, một nồi sữa cho gần 100 suất. Ngay cả ngày đám cưới con, tôi cũng không bỏ nấu cháo. Tính đến giữa năm 2010 này, vợ chồng tôi đã nấu gần 3.500 nồi cháo và hơn 1.000 nồi sữa đậu nành cho những bệnh nhân nghèo.

Tôi rất vui vì đến nay hàng nghìn lượt người có tấm lòng hảo tâm đã góp tiền, góp của và góp công sức cùng vợ chồng tôi giữ ngọn lửa của nồi cháo tình thương. Và càng hạnh phúc hơn nữa khi các con tôi không chỉ trưởng thành, khấm khá mà rất ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để cha mẹ yên tâm làm việc thiện.

Năm nay gần 70 tuổi, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn hài lòng với những gì mình đã trải qua, đã dâng tặng. Chúng tôi không có vàng ròng, bạc nén để lại cho con cháu mà để cho chúng cái nhân đức làm vốn...