Dân Việt

Trung tá làm dân vận

09/10/2010 22:49 GMT+7
(Dân Việt) - "Cán bộ Ngôn về làng!" - đó là câu chào đón của người dân vùng cao, khi thấy Trung tá Trần Ngọc Ngôn. Với gần 30 năm là lính biên phòng, công tác dân vận đã thấm vào mỗi hành động của anh.

Hiện, Trung tá Trần Ngọc Ngôn là cán bộ Ban Vận động quần chúng Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi.

img
Trung tá Trần Ngọc Ngôn hướng dẫn người dân vùng cao thu hoạch lúa

Cái xe nó đói bụng

"Cùng ăn, cùng ở, cùng làm" là bài học quen thuộc của công tác dân vận. Tuy nhiên, chính cái quan điểm rất riêng của người lính - "coi bà con như người thân của mình" đã trở thành một động lực giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và trở thành người con của các bản làng xa.

Xã Ba Lế, huyện Ba Tơ là địa phương vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi. Đường lên Ba Lế cách trở và vô cùng khó khăn. Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi được giao đỡ đầu, chăm lo cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Những ngày đầu tiên đến với đồng bào, anh đã mang hết trách nhiệm của người lính, cùng đồng đội khai khẩn trồng lúa, tuyên truyền về đời sống văn hóa mới, giúp cho cuộc sống nơi đây từng ngày đổi thay. Một lần, chiếc xe chở gạo lên cho đồng bào đi đến con suối thì chết máy vì hết xăng. Nhào vào làng, anh lay vai già làng: "Cái xe chở gạo tới suối thì bị đói bụng nên không chịu đi nữa".

Tiếng hú của già làng đã quy tụ đám thanh niên trai tráng hè nhau đến đẩy chiếc xe. "Nó đói bụng, đẩy nó lên…!" - hè nhau vài hiệp thì chiếc xe được kéo qua suối. Già làng cười hỉ hả: "Lần sau lên thăm đồng bào, nhớ cho nó ăn xăng cho thiệt no vào". Chuyện vui khiến mọi người quên đi mệt nhọc để đưa gạo về bản.

Họ nghèo, mình phải giúp!

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thép Phổ Cường, Quảng Ngãi, cha và chị gái đều hy sinh trong chiến tranh nên Ngọc Ngôn phải tần tảo từ nhỏ, vì vậy cái tính thương người, chu đáo, xốc vác đã trở thành một phần tố chất để anh trở thành người bình dị, thẳng thắn và dễ gần gũi.

Trong suốt 2 năm qua, tất cả 46 ngôi nhà trong chương trình "mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo" và một công trình dân sinh trị giá gần 2 tỷ đồng ở huyện Đức Phổ đều có bàn tay góp sức của Trung tá Trần Ngọc Ngôn.

Người dân các xã Phổ Quang và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ biết đến anh qua các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, hàng trăm vụ việc hòa giải, nhiều tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi và an ninh trật tự thôn xóm ra đời. Từ đó, nhân dân trên địa bàn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thế trận biên phòng vững chắc trên địa bàn biển đảo của tỉnh.

Những ngày Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sắp đi vào hoạt động, anh đã lăn lộn bám các khu dân cư để tham gia tuyên truyền về việc bảo vệ đường ống dẫn khí trên biển, phòng chống cháy nổ, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. "Đây là tài sản quốc gia, mỗi người dân ở đây sẽ cùng bảo vệ để nhà nước yên tâm sản xuất dầu…" - lời hứa của các trưởng khu dân cư, đối với anh, là niềm vui sau những chuỗi ngày vất vả, nhọc nhằn.

Dân vận phải có nghệ thuật. Trong một lần quy tập hài cốt liệt sĩ an ninh vũ trang, anh phải lên tham gia giải quyết vì già làng và cả bản không đồng ý: "Hồi giờ cán bộ Thọ ở với làng quen rồi, thành con cái rồi, không cho về dưới xuôi nữa đâu". Anh đến vỗ vai già làng nhẹ nhàng: "Mai cán bộ Ngôn rủ già làng về dưới xuôi chơi một tháng". Già làng ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: "Mình không đi đâu, về xuôi nhớ cái suối, nhớ nhà sàn lắm". Chỉ đợi có thế, anh bảo già làng: "Vậy cán bộ Thọ hy sinh nằm đây 30 năm rồi, bây giờ nhớ quê lắm, phải cho về miền Bắc thôi". Già làng gật gù tuyên bố: "Cả làng ra đưa cán bộ Thọ về quê thôi!".