Dân Việt

Nông dân châu Phi đói do nạn thao túng đất nông nghiệp

09/10/2010 22:43 GMT+7
(Dân Việt) - Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) cho hay, 17 quốc gia châu Phi đang có tên trong danh sách những nước đói trầm trọng, bị khủng hoảng lương thực từ 8 năm trở lên và tiếp nhận hơn 10% các khoản cấp viện là cứu trợ nhân đạo.

Trong khi đó, tại các nước này, hàng triệu ha đất nông nghiệp đang rơi vào tay những đối tác nước ngoài.

img
Một nông trại của nông dân Mozambique

Trong phần lớn hợp đồng, thoả thuận hợp tác được ký thời gian qua giữa các quốc gia châu Phi và các nước mới nổi, các nước phát triển hoặc công nghiệp, đều có một điều khoản dành cho nông nghiệp. Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, các con rồng châu Á, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay các tập đoàn đa quốc gia đều muốn mua và thuê đất nông nghiệp ở đây.

Nhiều nước châu Phi đang phải chứng kiến cuộc đua giành giật đất nông nghiệp của các tập đoàn đến từ châu Á và châu Âu. Theo nhiều chuyên gia của Trung tâm kỹ thuật hợp tác nông nghiệp và nông thôn (Cta), Cộng đồng kinh tế khu vực Trung Phi (CEEAC) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), 450.000ha đất tại Ghana đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Tại Madagascar là 803.000ha, tại Mali là 160.000ha. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm đến châu Phi để bảo đảm an ninh lương thực cho người dân của mình.

Tuy nhiên, không phải cuộc chạy đua giành đất nông nghiệp tại châu Phi lúc nào cũng thành công. Vì mất đất sản xuất, công cụ sản xuất chính để nuôi sống gia đình, người dân đã lên tiếng. Ý đồ của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thuê 1,3 triệu ha đất nông nghiệp tại Madagascar với mức giá rất thấp đã bị thất bại là minh chứng cho sự đấu tranh này.

André Marie Afouba, nhà kinh tế học người Pháp, nhấn mạnh, có một mối đe doạ lớn về vấn đề đất ở châu Phi. Theo ông này, đất là yếu tố sản xuất chính của lục địa này. Đó cũng là nguyên nhân của các xung đột từ bên trong và bên ngoài, nhất là giữa những người có quyền và người nông dân. Điều này đặt ra vấn đề phải quản lý đất nhằm bảo đảm quyền lợi của nông dân.