Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Anh Tuấn đọc dự thảo nghị định (NĐ) quy định tổ chức Lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi đọc báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo NĐ.
Báo cáo cho biết, thực tế hiện nay, Lễ Quốc tang đã được quy định tại NĐ 62/2001. Tuy nhiên, NĐ này mới chỉ điều chỉnh đối tượng là những cán bộ giữ chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, mà chưa có nội dung quy định Lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải ban hành một NĐ mới quy định riêng về Lễ Quốc tang trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước góp ý: NĐ chưa nói rõ mức độ “thiệt hại lớn” là như thế nào. Phải quy định cụ thể bao nhiêu người chết, thiệt hại bao nhiêu tiền thì mới tổ chức Quốc tang. Nếu không làm rõ điều này thì chẳng có căn cứ nào để tổ chức Quốc tang. Cùng đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện góp ý thêm: NĐ cũng phải chỉ rõ cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức Lễ Quốc tang, là Bộ Chính trị như trong NĐ nêu hay là Chủ tịch nước như các nước vẫn làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý về hình thức tổ chức Lễ Quốc tang: “Chúng ta cần phân biệt rõ hai loại Quốc tang. Một là dành cho các nguyên thủ quốc gia. Còn với người dân mất trong các thảm họa, thiên tai, theo tôi nên tổ chức Lễ Tưởng niệm giống như nhiều nước vẫn làm”. Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng cho rằng, nên tổ chức theo hình thức Lễ Tưởng niệm chứ không thể tiến hành giống như lễ truy điệu một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước được.
Nhiều ĐB cũng nhất trí đề nghị nơi tổ chức Lễ Quốc tang (hoặc Tưởng niệm) tốt nhất nên ở nơi xảy ra sự cố (thảm họa, thiên tai), để có thể vừa giáo dục, vừa nhắc nhở cho cộng động về những mất mát đã xảy ra. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận xét dự thảo NĐ chưa ổn, còn thiếu cụ thể nhiều điểm. Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ thêm những vấn đề chưa rõ.
* Sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Luật sư, có ý kiến cho rằng nếu quy định giảng viên được làm luật sư sẽ không khách quan, xung đột lợi ích vì có thể thầy bào chữa, còn học trò làm thẩm phán. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nên cho phép giảng viên được hành nghề luật sư nhưng không tham gia tố tụng, mà có thể tham gia tư vấn pháp luật tại các công ty luật.
Hải Phong