Một cảnh trong phim "Cánh đồng bất tận" - nơi dừng chân của gia đình ông Võ |
Cuối tháng 10, phim "Cánh đồng bất tận", (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) sẽ ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế tại VN. Nhà văn Ngô Thảo - người có nhiều thời gian đi cùng đoàn làm phim đã dành cho NTNN bài viết này.
Trung tâm dược liệu "vào phim"
Để chọn cảnh cho bộ phim với câu chuyện diễn ra trên sông nước miền Tây Nam bộ, từ mấy năm qua, sau khi có kịch bản của Ngụy Ngữ, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình biết vốn sống của mình còn hạn chế nên đã nhờ các "bô lão" trong làng điện ảnh thông thuộc miền Tây, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hồ, Ngụy Ngữ, đạo diễn Mỹ Hà cùng giám đốc hình ảnh, nhà quay phim Lý Thái Dũng, nhà quay phim Nguyễn Tranh, hoạ sĩ thiết kế Mã Phi Hải... năm lần bảy lượt dọc ngang các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… để chọn cảnh.
Cuối cùng, đoàn phim chọn được chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) để quay cảnh mở đầu: Cô gái điếm Sương - nhân vật nữ chính bị đám đông các bà vợ đánh ghen hội đồng. Cảnh sông nước miền Tây, những nơi con đò của nhà ông Võ đi qua, được chọn nhiều cảnh đẹp ở các vùng, như hệ thống lò gạch có tạo hình độc đáo ven sông ở tỉnh Đồng Tháp.
Nơi đoàn phim bám trụ giữa Đồng Tháp Mười hơn một tháng rưỡi, phim trường chính nằm trong Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, giáp biên giới Campuchia. Đây cũng là địa điểm ngày trước đã quay bộ phim nổi tiếng "Cánh đồng hoang". Nhưng, bây giờ cơ ngơi ở khu trung tâm này đã khang trang hơn nhiều.
Giữa một hòn đảo nằm lọt giữa vùng sông nước mênh mông, bạt ngàn tràm, bàng (cói), lại có một khu dân cư với mấy ngôi nhà lớn, có nhà hai tầng, có máy lạnh, ban đêm điện sáng rực… Đó là kết quả mấy mươi năm khai phá, xây dựng của dược sĩ Nguyễn Văn Bé - Giám đốc trung tâm.
Kỷ luật làm nên thành công
Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bé |
Trong chống Mỹ, Nguyễn Văn Bé vốn là bộ đội giải phóng quê gốc Bến Tre. Đang chiến đấu với nhiều chiến công, anh lính trẻ được cử ra Bắc đi học. Tốt nghiệp dược sĩ, sau giải phóng anh về dạy học ở ĐH Y Dược TP.HCM. Những năm 80 của thế kỷ trước, anh ba lô lên vai cùng một nhóm đồng đội đi sâu vào rừng Đồng Tháp Mười chọn địa điểm đặt chân.
Sau nhiều năm xây dựng, giờ trung tâm đã có 140km kênh rạch dọc ngang một ngàn ha rừng các loại tràm, các loại bạch đàn, nhiều loại cây thuốc sưu tầm khắp trong nước và trao đổi với bạn bè nhiều nước trên thế giới.
Những ngày đoàn làm phim "Cánh đồng bất tận" với bảy, tám chục người, hàng chục tắc ráng, ca nô, phà đi về ngang dọc, cả ngày lẫn đêm đã phá tan sự lặng lẽ, bình yên của một trung tâm nghiên cứu khoa học. Nhưng với sự xởi lởi, từ giám đốc đến nhân viên và người dân nơi đây đã tận tình giúp đỡ đoàn: Nơi ở có nước nóng, máy lạnh, bữa ăn có thực phẩm tươi!
Ở đây có những quy định rất khắt khe: Chim trời quần tụ ngập rừng nhưng tuyệt đối không được săn bắn. Mùa cá đẻ tuyệt đối không được đánh bắt! Những ngày đi quay về muộn, hay có mấy buổi quay đêm, tắc ráng đi về đèn pha bật sáng đánh động giấc ngủ bình yên, hàng ngàn con chim các loại nháo nhác bay lên, làm ông chủ có lúc lo đến phát cáu. Mỗi cây tràm chặt phải trả giá đắt gấp nhiều lần giá thị trường! Kỷ luật ấy ảnh hưởng rất tích cực với đoàn làm phim.
Khi chia tay, tôi ngắm mãi ngôi trường phổ thông cơ sở to, đẹp, trung tâm đã xây cất cho các cháu lứa tuổi đến trường có nơi học và có điều kiện đi học. Trong thành công của bộ phim "Cánh đồng bất tận" có sự góp sức của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, mà những nét đẹp nhiều vẻ, kỳ thú ghi được trong các khuôn hình chỉ là một phần rất nhỏ.
Ngô Thảo