Dân Việt

Điện và tái định cư

12/10/2010 08:08 GMT+7
(Dân Việt) - Tin Thủy điện Sơn La (TĐSL) sẽ cho phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12 năm nay thắp thêm hy vọng cải thiện tình trạng thiếu điện dẫn tới cắt điện tràn lan khắp nơi, cả nông thôn lẫn thành thị.

Một nghịch lý ở nước ta: Người phải hy sinh nhiều nhất cho công trình thủy điện lại là người được sử dụng điện chậm nhất. Thác Bà, Hòa Bình và nhiều nơi làm thủy điện khác ở miền Trung đều thế. Do nhiều lý do (ngành điện thì luôn phong phú lý do), nhân dân nhiều nơi đã nhường quê cha đất tổ cho lòng hồ thủy điện thường được "chiếu sáng" chậm hơn các nơi khác phía hạ lưu. "Chiếu sáng" ở đây xin được hiểu không chỉ là điện mà toàn bộ cuộc đổi đời con người nếu có điện, tức là bước chân đầu tiên đến văn minh.

Nhưng điều quan trọng bậc nhất đối với các bản làng phải di dời để làm lòng hồ không phải là điện mà chính là chất lượng của cuộc sống tái định cư. Với TĐSL, công trình buộc di dời 20.000 hộ dân (ước tính trên mười vạn nhân khẩu) thì công tác tái định cư có tầm quan trọng rất lớn.

Điện là quan trọng nhưng không thể lơ là với cuộc sống mới của từng đó con người. Chỉ mới tháng 5 năm ngoái thôi, đề tài "tái định cư" TĐSL đã làm nóng Quốc hội vì vẫn còn 6.000 hộ chưa chuyển được và với những hộ đã chuyển cuộc sống vẫn đầy khó khăn, lo âu.

Đến nay việc tái định cư với yêu cầu gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc (là một trong năm yêu cầu lớn của dự án) đã hoàn thành, nhưng tái định cư vẫn là và phải là vấn đề quan trọng bậc nhất và cần được lưu ý lâu dài sau khi hoàn thành công trình. Trong thực tế, các tỉnh liên quan như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên đang gặp nhiều lúng túng.

Không lúng túng sao được khi đồng bào một số dân tộc (như người Thái chẳng hạn) đã quen sống với con suối chảy róc rách quanh bản, quen trồng ngô ở bãi bồi ven sông Đà, nay phải lên sống hàng trăm mét chiều cao tận lưng núi, chỉ thích hợp với chăn nuôi và săn bắn như người Mông.

Có xe máy mới, có TV để xem, được nhà nước trợ cấp 2 năm lương thực, nhưng đồng bào sẽ phải trải qua một cuộc thử thách sinh thái cực kỳ gian khổ mới có thể sinh sống bình thường chứ chưa nói tới giữ gìn bản sắc văn hóa. Bà con dân tộc Thái "nhớ con tằm, nong kén, thèm con cá suối" đâu chỉ là chuyện vặt mà là vấn đề lớn của cuộc sống đồng bào, không thể xem thường.

Chính quyền vì dân hay không là những lúc này, ở những việc này. Không thể có điện bằng được với mọi giá và đừng tưởng phát được điện là mừng mà buông xuôi vấn đề tái định cư của thủy điện. Vấn đề chỉ mới bắt đầu chứ không phải dễ dàng kết thúc sau khi phát điện.