Nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng điêu đứng vì dịch tai xanh trên đàn heo. Ảnh: Võ Khắc Dũng |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh heo tai xanh (DTX), bệnh lở mồm long móng bùng phát trở lại. Được biết, dịch heo tai xanh ở Lâm Đồng được phát hiện vào ngày 27 - 7 tại xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên.
Mặc dù ngay sau đó tỉnh đã nhanh chóng công bố dịch và thực hiện khoanh vùng dập dịch với nguồn kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong đợi: DTX từ ổ dịch Nam Ninh đã lan nhanh đến nhiều địa phương trong huyện.
Đến ngày 11 - 10, trong tổng số 12 xã của huyện Cát Tiên đã có đến 11 xã bị DTX hoành hành. Tính đến thời điểm này, chỉ riêng huyện Cát Tiên đã có 2.060 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh tai xanh với tổng số heo “xấu số” là 20.447 con; nếu quy ra cân nặng thì số heo mắc bệnh này tương đương hơn 1 triệu kg.
Điều đáng nói, Lâm Đồng không phải là địa phương không có nhiều kinh nghiệm trong việc khống chế và dập DTX, bởi dịch này cũng đã xuất hiện tại đây từ nhiều năm trước.
Thế nhưng, dù nhanh chóng thực hiện các biện pháp dập dịch nhưng DTX lại tỏ ra “nhanh chân” hơn trong việc phát tán mầm bệnh sang các địa bàn trong tỉnh. Đến nay, trong tổng số 12 huyện và thành phố của Lâm Đồng, ngoài Cát Tiên còn có 7 địa phương khác có DTX hoành hành mà cao nhất là Bảo Lâm với 330 con mắc bệnh, Di Linh 186 con, Đạ Tẻh 140 con... Hiện chỉ còn 4 địa phương ở phía bắc của của tỉnh chưa bị DTX.
Không chỉ bị DTX hoành hành mà trên địa bàn Lâm Đồng còn “khởi phát” một số bệnh trên đàn gia súc. Bệnh tiêu chảy và bệnh tụ huyết trùng đã bắt đầu xuất hiện ở đàn heo 41 con tại các xã Lộc Nga, Lộc Sơn và Lộc Tiến thuộc huyện Bảo Lâm; bệnh lở mồm long móng cũng đã bắt đầu quay lại trên đàn trâu, bò ở 2 huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh, với tổng số gia súc mắc bệnh là 150 con.
Võ Khắc Dũng