Trên hành trình đi tìm đường cứu nước của mình, tiếp cận với nhiều xu hướng chính trị của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: Vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực nhưng cũng là đối tượng của cách mạng.
Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Bất Bạt (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Tây) năm 1969. |
Cho nên muốn vận động quần chúng làm cách mạng, muốn là tốt công tác dân vận thì vấn đề quan trọng là bảo vệ được quyền lợi của nông dân. Bác đứng về nông dân, bênh vực quyền lợi của nông dân nhưng không sa vào nông dân chủ nghĩa, không quá tả, không xô bồ khi phân tích mặt tốt, mặt phải hoàn thiện của nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954. |
Năm 1963, Bác về chống hạn ở Nghiêm Xuân (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ). Tiện đường, Bác vào một nhà dân hỏi, gia đình vừa qua đón Tết có vui không? Có cụ già hơn 60 tuổi thưa với Bác là ăn Tết không vui. Bác hỏi vì sao, cụ kể lại gia đình có ngôi nhà gần đường, vừa qua huyện có lệnh đuổi cụ đi để mở đường, không có bồi thường, cũng không chỉ cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui.
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960 |
Người ra lệnh ấy là ông Chủ tịch huyện. Bác lắng nghe mà vẻ mặt không vui. Bác bảo, làm người cán bộ như vậy là không xứng đáng, không khác gì cường hào xưa. Sau đó Bác chỉ thị phải điều tra làm rõ ngay. Vị Chủ tịch kia bị kỷ luật. Hôm đó, Bác tham gia chống hạn với dân, trời nắng to có đồng chí bảo vệ cầm ô che cho Bác, Bác bảo: "Dân chịu được thì Bác cũng chịu được, chú làm như Bác là ông quan thời xưa".
Trên đường đi chống hạn giúp dân, thấy phía trước có xe công an còi inh ỏi dẹp đường, Bác cho dừng xe và lệnh cho xe công an dừng lại, Bác mới đi tiếp. Bác phê bình: "Bác xuống với dân để chống hạn mà các chú làm cho dân sợ thì xuống làm gì?".
Tuổi cao sức yếu, họp Bộ Chính trị hay trong các buổi làm việc về nông nghiệp Bác thường nhắc đến Điều lệ hợp tác xã. Bác bảo công nhân có ngày kỷ niệm thì nông dân cũng phải có ngày kỷ niệm. Bác dặn viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được.
Sau khi đọc bản dự thảo, Bác nói đây là bản dành cho cán bộ, còn đối với xã viên phải viết tóm tắt hơn, dễ hiểu hơn. Bác đọc và sửa chữa rất kỹ, có chỗ nào chữ nghĩa cầu kỳ khó hiểu Bác đều sửa lại. Câu "xã viên phải góp ruộng đất, trâu bò, các công cụ chủ yếu", Bác sửa cho chặt chẽ hơn: "Xã viên phải góp ruộng đất, góp cổ phần, để lại trâu bò và các công cụ chủ yếu", chữ "để lại" vừa có tình và có nghĩa giữa xã viên và hợp tác xã.
Hồ Chủ tịch nhiều lần yêu cầu cán bộ không là “quan cách mạng” mà phải là đầy tớ của nhân dân, phải có tinh thần "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", vì chính quyền của chúng ta là chính quyền "vì dân, do dân", có như thế công tác dân vận mới có thể làm tốt được.
Nguyễn Thiên Việt