Dân Việt

Tự hào truyền thống giai cấp nông dân

14/10/2010 03:02 GMT+7
(Dân Việt) - Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, người nông dân (ND) VN cũng khẳng định vị trí và vai trò to lớn.

Nông dân là lớp người đã vật lộn với thiên nhiên, sáng tạo nền văn minh lúa nước, lập nên Nhà nước Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt.... Đó là lớp lớp người đã phá núi, lấn biển, ngăn sông để tạo nên những cánh đồng trù phú, những làng quê bình yên và những lớp lớp người đã đánh tan những đạo quân xâm lược, mang hào khí "Thăng Long" đi mở cõi, để hôm nay - một Việt Nam thống nhất, sum vầy 54 dân tộc anh em...

Nông dân đã làm nên những kỳ tích

Trước ngày thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, khởi đầu việc dùng vũ lực xâm lược Việt Nam, 98,3% dân số nước ta là ND và thợ thủ công gắn với nông nghiệp, nông thôn.

 img
Ông Nguyễn Quốc Cường

Gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, với các chương trình triệt để khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nước thuộc địa và bóc lột thậm tệ người dân bản xứ đã sản sinh ra tầng lớp công nhân lao động Việt Nam xuất thân từ những người làm ruộng.

Chính sách thuộc địa tàn bạo và hà khắc của thực dân Pháp đã bùng lên các phong trào yêu nước lôi cuốn mọi tầng lớp công nhân và ND đứng lên đấu tranh giành quyền sống. Nhưng các phong trào yêu nước chủ yếu do tự phát đã lần lượt bị thất bại và bị đàn áp nặng nề.

 img
Được mùa ở Tú Lệ, Yên Bái.

Chỉ từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và sứ mệnh lãnh đạo thuộc về giai cấp công nhân mà lực lượng tham gia chủ yếu là ND đã làm nên kỳ tích thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất - mùa Thu 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc. Tiếp đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 - chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - non sông thu về một mối, cả nước hoà bình, thống nhất, đi lên Chủ nghĩa xã hội. Có thể nói ND Việt Nam với vai trò là quân chủ lực của cách mạng đã góp phần rất to lớn trong các chiến thắng vĩ đại của dân tộc và làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh.

Bước vào thời kỳ kiến quốc và đổi mới, từ sâu thẳm của tinh thần sáng tạo, của khát vọng làm giàu và từ thành công của "khoán hộ", "khoán 10"; bắt nhịp nhanh đường lối Đổi mới của Đảng đã tạo ra động lực mới, sức mạnh mới của hàng chục triệu nông dân hăng hái thi đua sản xuất, nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nâng cao năng suất lao động, chủ động làm chủ ruộng đồng, kiên cường xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Cũng chính từ sức mạnh của giai cấp ND, nước ta từ một nước quanh năm thiếu gạo đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, thuỷ sản... Hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam đã được bán ra trên 121 quốc gia, khu vực trên thế giới. Đó là kỳ tích thứ hai của giai cấp ND Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới...

Nông thôn quyết định ổn định KT-XH

Bước và thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, trên đất nước ta đã hình thành nhiều đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, nhưng vẫn còn trên 73,3% dân cư sống ở nông thôn.

Đối với nước ta, chăm lo cho ND, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang là mối quan tâm hàng đầu, không chỉ có vai trò quyết định đối với việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, mà còn cung cấp nguyên liệu và nguồn lực cho phát triển công nghiệp, kinh tế xuất khẩu của đất nước, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng thoả mãn lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho toàn xã hội.

Có thể khẳng định, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế toàn cầu ở nước ta là một sự nghiệp chưa có tiền lệ. Chúng ta đang bắt đầu và đương đầu với một nhiệm vụ lịch sử hoàn toàn mới. Đó là xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy hoạch, đảm bảo cho sản xuất và phát triển đời sống dân sinh như: Điện, đường giao thông, trường học, trạm xá, trường dạy nghề, thông tin, nước sạch; các trung tâm dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật cho máy cơ khí và nông cụ...

Đó là đào tạo hàng chục triệu ND có trình độ văn hoá, kiến thức khoa học kỹ thuật làm nghề nông, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... thành người lao động chuyên nghiệp có kỹ thuật, có năng suất cao, có nếp sống văn minh, có lòng tương thân, tương ái, biết hợp tác văn hoá trong lao động trên cơ sở pháp luật và kinh tế thị trường.

Đó là chuyển đổi cơ bản cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động trên địa bàn rộng lớn, nơi cư trú của hàng triệu hộ gia đình ND từ vùng cao đến đồng bằng, từ miền núi đến hải đảo, ven đô... với mơ ước và quyết tâm biến nông thôn hiện nay thành nông thôn mới.

Hội NDVN luôn đồng hành cùng ND

Lịch sử xã hội và thực tiễn từ các nước phát triển trong khu vực và thế giới đã minh chứng: Chỉ có công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới xoá bỏ được xiềng xích đói nghèo; mới chuyển hoá được người ND để họ trở thành người trí thức, người công nhân công nghiệp, người công nhân nông nghiệp lao động trên những cánh đồng rộng bao la và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Chỉ có công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao thì khoảng cách giữa đô thị với nông thôn; lao động trí óc và lao động chân tay mới được xích lại gần. Chính vì lý do đó, toàn bộ hoạt động của tổ chức Hội NDVN từ T.Ư đến cơ sở, từ cán bộ đến hội viên đã và đang dồn hết trí tuệ, tài năng và nguồn lực, dấn thân vào lao động sản xuất, vào đời sống thường ngày của người ND mà hành động và cống hiến.

Chính nguồn lực con người, với những năng lực, trình độ, phẩm chất mới đó là lực lượng trực tiếp làm biến đổi diện mạo nông thôn và nông nghiệp; góp phần phá vỡ trạng thái trì trệ của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ, manh mún... chuyển trạng thái từ nền nông nghiệp "no đủ" hiện nay sang nền nông nghiệp "làm giàu", nền nông nghiệp hội nhập với đặc trưng: Vùng sản xuất hàng hoá; sản xuất bằng máy móc, kỹ thuật công nghệ hiện đại; sản phẩm có khối lượng lớn, giá thành hạ, đảm bảo an toàn vệ sinh; có thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Nông dân, nông nghiệp hội nhập kinh tế toàn cầu cũng có thể hiểu là mở rộng giao lưu văn hoá. Bản thân các sản phẩm nông sản được xuất khẩu đã mang dấu ấn văn hoá quốc gia sản xuất ra nó. Người tiêu dùng trong và ngoài nước sử dụng sản phẩm ấy đồng nghĩa với việc tiếp xúc giao lưu văn hoá với ND, nông nghiệp Việt Nam.

Và ngược lại, người Việt Nam sử dụng sản phẩm nước ngoài cũng là giao lưu với nhân dân thế giới. ND nước ta biết lựa chọn, tiếp thu tinh hoa và văn hoá của nhân loại, làm giàu thêm vốn văn hoá của mình, để có thể có những sản phẩm, vật chất, tinh thần hội nhập vào quá trình giao lưu quốc tế.

Thế nhưng, nếu bằng lòng với chính mình, chối bỏ tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới là đồng nghĩa với tụt hậu. Việc quá sùng ngoại, coi nhẹ giá trị văn hoá dân tộc chẳng những là vong ân, bội nghĩa với tổ tiên mà còn đồng nghĩa với sự đánh mất bản thân mình, quê hương, dân tộc, Tổ quốc mình.

Người ND trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập chính là quá trình giữ vững bản lĩnh dân tộc, bảo vệ truyền thống tốt đẹp, bất khuất, kiên cường, năng động, sáng tạo, thích ứng, hoà nhập; làm giàu cho bản thân gia đình, quê hương đất nước và đặt trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc mà Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra.

80 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta tự hào về lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp ND và Hội NDVN - đó chính tài sản quý giá vô ngần của dân tộc Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển.