Dân Việt

Niềm vui nhỏ trong tình yêu lớn

14/10/2010 02:17 GMT+7
(Dân Việt) - “Với người giáo viên dạy nghề, điều hạnh phúc nhất là những học viên của mình sau khi học xong có thể áp dụng những kiến thức đã học vào phát triển sản xuất”, thầy Nguyễn Trọng Ngoan, giảng viên Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân Ninh Bình) tâm sự.

Nhiều nông dân vẫn chủ quan

Dạy nghề cho lao động nông thôn mới nghe qua thì tưởng rằng đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy được những khó khăn.

img
Nhờ trồng nấm, nhiều nông dân đã thoát nghèo

“Ngày xưa và bây giờ vẫn vậy, nông dân ta chủ yếu sản xuất, trồng trọt dựa vào kinh nghiệm sản xuất, nên việc thay đổi nhận thức, truyền tải đến nông dân những kiến thức khoa học mới là điều không hề đơn giản. Với nhiều người nông dân trong đầu họ luôn có suy nghĩ sai tý chắc không vấn đề gì. Chính cái suy nghĩ đó đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất”- thầy Nguyễn Thế Yên, giáo viên dạy môn trồng trọt tâm sự.

Thực tế tại lớp học của thầy Yên cho thấy, cây khoai lang Nhật so với cây khoai lang của ta hơn hẳn về chất lượng và mẫu mã. Để làm được điều này cần phải có cách chăm sóc, cách trồng khác với cây khoai lang ta. Thầy Yên nhớ lại: “Trong lớp học nghề trồng khoai lang của tôi ở xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) có 2 học viên là vợ chồng. Trong suốt quá trình học cả hai đều rất chăm chỉ và tỏ ra rất hiểu bài. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hoạch lứa đầu tiên phải đến 30% gốc khoai lang không đạt yêu cầu. Tìm hiểu ra mới biết, những luống không đạt yêu cầu do anh chồng mải xem bóng đá, trồng qua quýt cho xong, nên sai quy trình”.

Đồng quan điểm với thầy Yên, thầy Nguyễn Trọng Ngoan, giảng viên lớp trồng nấm tâm sự: “Cho đến bây giờ có một trường hợp mà tôi nhớ nhất là trường hợp của gia đình ông Bùi Văn Môn (Quảng Lạc) trong 2 vụ trồng nấm đầu tiên gia đình ông mất đi 40% sản lượng nấm. Lần thứ nhất do lượng rơm cần được xử lý nhiều, gia đình lại cho ít vôi bột quá nên không đảm bảo. Lần thứ 2 do phơi nguyên liệu trực tiếp xuống đất không có bạt lót nên vi khuẩn có điều kiện phát triển, gây bệnh cho nấm. Nghề nào cũng vậy, nếu không chú tâm vào làm thì công việc cũng không thể được như ý muốn được”.

Vui khi thấy học sinh làm thầy

Thầy Ngoan, 52 tuổi, vốn xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, hiện nay, gia đình thầy vẫn đang sống nhờ nghề trồng nấm. Từ một nông dân trở thành 1 thầy giáo thật sự là một bất ngờ với thầy. Đặc biệt, sự nỗ lực, nhiệt tình của những học viên càng làm thầy bất ngờ. Cho đến bây giờ thầy Ngoan vẫn nhớ trường hợp của học viên tên Bùi Ngọc Vân (Quảng Lạc – Ninh Bình), đây là một học viên rất đặc biệt.

img Làm nghề giáo đã là vất vả nhưng làm giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn còn vất vả hơn nhiều. Trình độ nhận thức của nông dân không đồng đều nên các giáo viên thường xuyên phải dạy đi dạy lại một vấn đề. Nếu không có tình yêu nghề sẽ rất khó để dạy hay, dạy giỏi được. img

Ông Phạm Văn Viêng -

Phó Chủ tịch Hội ND Ninh Bình

“Lúc tham gia lớp học của tôi học viên này đã ngoài 70 tuổi nên khả năng tiếp thu những kiến thức gặp rất nhiều hạn chế. Tự biết khả năng của bản thân nên ngoài giờ lên lớp cụ còn đến nhà xin làm công nhân không công để học hỏi thêm kinh nghiệm trong sơ chế nguyên liệu, cách chăm sóc, phòng bệnh cho nấm. Giờ, cụ tổ chức sản xuất, hướng dẫn con cháu cùng làm”.

Với những người giáo viên, hạnh phúc lớn nhất là những học sinh được mình dạy tiếp thu được những kiến thức mà mình truyền đạt, biết vận dụng những kiến thức phục vụ cho công việc của mình sau này. Cô Ngô Thị Hiền, giáo viên lớp chăn nuôi dê Hội Nông dân Ninh Bình tâm sự: “Hơn 20 năm tham gia dạy nghề, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân điều khiến tôi tự hào nhất có lẽ là việc có học viên sau khi học lớp của tôi đã thoát nghèo, trở lên giàu có, trở thành nông dân sản xuất giỏi, được cử đi tham dự Đại hội nông dân giỏi toàn quốc”.

Tiêu biểu nhất là trường hợp của anh Bùi Văn Minh (Nho Quan), khi bắt đầu học nghề gia đình học viên này là một trong những hộ nghèo đặc biệt của huyện Nho Quan, tham gia học nghề gia đình anh được cấp cho 2 con dê. Sau mấy năm anh đã có hơn 50 con dê, 3 con trâu và đã thoát nghèo trở lên khá giả. Điều quan trọng nhất là học viên này biết đem những kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ với những nông dân chưa có điều kiện đi học khác.