Từ lá thư này, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ sự bức xúc của người dân.
Vụ việc được gói gọn như sau: Hơn 500 hộ dân ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An là dân nghèo vùng biên giới nhưng lâu nay không được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Gần cả ngàn ha đất ruộng mà họ đang canh tác là đất "nhận khoán" của Công ty Đồng Tháp 1.
Hàng chục năm qua, nhiều diện tích đất doanh nghiệp này được tỉnh ưu ái "cho không", mãi đến năm 2009 tỉnh mới cho thuê giá bèo để họ "khoán" lại cho dân hưởng chênh lệch. Mọi ưu đãi của nhà nước đều dồn cho "chủ đất" - tức Công ty Đồng Tháp 1, còn nông dân vẫn phải còng lưng đóng góp.
Xếp bút, ôm cày…
Trong căn nhà nhỏ ở ấp Cây Me, bà Phới trải lòng với chúng tôi về những tháng ngày lặn lội trên ruộng đồng và ý tưởng viết thư cho Bộ trưởng: Sau giải phóng, Đồng Tháp Mười lúc đó là vùng đầm hoang, chỉ có nước, đỉa và muỗi.
Bà Phan Thị Phới (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An) - người viết thư cho Bộ trưởng. |
Nhiều quyết sách mang tính chiến lược được triển khai trong giai đoạn hết sức khó khăn ấy nhằm kêu gọi người dân về đây sản xuất. Dân nghèo khắp nơi - trong đó có hàng trăm hộ dân cùng quê Đồng Tháp đã kéo về khai hoang vùng đất này.
Thời gian đầu, sản lượng thóc bình quân đầu người toàn vùng nhiều năm liền chỉ ở mức… 101kg/năm, nông dân thường xuyên đói. Nhà nước đầu tư kênh mương thủy lợi, thêm bàn tay cần cù của con người đã khiến năng suất lúa tăng vùn vụt. Lượng thóc bình quân hiện nay của vùng này đã là 4.000kg/người/năm, tức tăng khoảng 40 lần. Đại bộ phận dân Đồng Tháp Mười đã có cuộc sống no ấm hơn trước. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân ở ấp Cây Me vẫn khốn khổ với nạn "phát canh thu tô" trá hình.
Do nghèo đói, việc học của bà Phới dở dang, người con trai của bà sau này cũng vậy. Bà kể với giọng tiếc nuối: "Con tôi cũng bỏ dở Đại học Cần Thơ vì làm ruộng không đủ sống. Dân ấp Cây Me mang tiếng là ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới nhưng những ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chúng tôi không thể với tới vì chỉ là người thuê lại đất của công ty. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết thư kể khổ gửi Bộ trưởng NN&PTNT".
Đi tìm lẽ phải
Dân Hưng Điền nhiều lần gửi đơn kêu cứu từ cấp xã, lên huyện rồi đến tỉnh nhưng chưa bao giờ được giải quyết. Đơn gửi đi rồi lại bị trả về, không thấy ai xuống gặp dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Có thể do "chứng cứ" mà Công ty Đồng Tháp 1 đưa ra giải trình với các cơ quan chức năng có vẻ rất chặt chẽ và "đúng luật" với hàng ký tài liệu đi kèm nên toàn bộ yêu cầu của người dân đều bị bác bỏ.
"Nhiều lúc chúng tôi nghĩ rằng có thể do đơn thư của dân quá dài, tài liệu không đủ trong khi phía công ty cũng trình ra hàng đống tài liệu có thể khiến cơ quan chức năng… đọc không hết, hoặc giả có đọc nhưng không đủ kiên trì để đối chiếu từng điều từng khoản nên suốt mấy năm qua đã bỏ quên đơn khiếu nại của dân.
Rất may là lá thư ngắn vỏn vẹn trong một trang A4 mà tôi gửi, ông Bộ trưởng đã đọc và cho người kiểm tra. Nhiều cơ quan báo chí cùng tham gia nghiên cứu tài liệu, thu thập chứng cứ để nêu thông tin trên mặt báo đã giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình đi tìm lẽ phải" - bà Phới nói.
Theo lời bà Phới, việc thanh tra về làm việc, xem như quá trình đấu tranh của nông dân đã thành công một nửa. Người dân mừng nhưng vẫn còn chút lo lắng khi người của Công ty Đồng Tháp 1 liên tục đánh tiếng sẽ đưa máy cày xuống ruộng của 5 hộ dân bị công ty đòi đất để cày xới rồi gieo sạ.
Nỗi lo của bà Phới không phải không có cớ. Dân Hưng Điền ai cũng nhớ vụ hè thu 2008, nhiều người không đồng ý ký lại hợp đồng với mức khoán cao với công ty nên công ty đã cấm… sản xuất. Đói quá, cả nhà bà Phới làm liều xuống giống. Thế là công ty đưa những người lạ mặt đến gây áp lực buộc phải lên bờ.
"Năm nay lũ không về, nông dân trồng lúa đã nhìn thấy chuyện lỗ lãi ngay trước mắt. Nếu số đất này không được giao về cho địa phương quản lý mà vẫn để Công ty Đồng Tháp 1 muốn làm gì thì làm thì cuộc sống nông dân sẽ càng khó khăn gấp nhiều lần. Tôi mong muốn địa phương có chính sách quản lý đất đai hợp lý ở Hưng Điền, để nông dân yên tâm sản xuất, để nông dân được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước" - bà Phới đề nghị.
Hữu Danh