Ông Danh Út - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Uỷ viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao đổi với NTNN.
Đôi khi cũng phải lai rai với nông dân
Ông là người có rất nhiều chất vấn trên nghị trường xung quanh vấn đề hạt lúa, củ khoai... Những chất vấn này thân quen đến nỗi khi gặp Danh Út mọi người đều gọi ông là ông nghị của nhà nông. Ông có thể lý giải, tại sao vấn đề tam nông lại gắn bó máu thịt với mình như vậy?
- Là Đại biểu Quốc hội thì nói chung vấn đề gì tôi cũng phải quan tâm chứ không riêng hạt thóc, củ khoai. Tuy nhiên, tôi tâm đắc nhất vẫn là những câu chuyện về tam nông bởi nói thật tôi xuất thân từ anh nông dân, rồi đã có thời gian làm mướn, làm anh lái máy cày trên ruộng...
Tôi từng bị mất ngón tay khi điều khiển máy cày, máu đã đổ xuống ruộng nên tôi thấm thía và hiểu được sự vất vả, cơ cực của người nông dân. Tôi cho rằng, hơn 20 năm đất nước đổi mới, đời sống của người nông dân đã tốt hơn nhưng ở đâu đó vẫn còn một bộ phận sống khổ. Chia sẻ với những vất vả đó, tôi đã theo dõi, lăn lội với ruộng đồng để đúc kết kinh nghiệm nhằm đóng góp ý kiến cho Quốc hội về tam nông.
Thưa ông, chất vấn về tam nông nghĩa là phải am hiểu cuộc sống của người nông dân. Vậy ông đã tiếp cần và gần gũi với người nông dân như thế nào?
- Đại biểu say mê lĩnh vực nào đương nhiên phải đi sâu vào lĩnh vực đó thôi. Đã say mê thì phải tìm hiểu để đề xuất làm sao giúp nông dân có đời sống khá giả hơn, làm sao để nông dân mến đất hơn.
Muốn làm thế, trước khi xuống cơ sở phải nghiên cứu tài liệu, gặp anh em cán bộ khuyến nông, thú y... Mọi việc phải chuẩn bị kỹ chứ không thể tự dưng xuống nói một câu là dân nghe, dân hiểu. Tiếp cận với dân là phải gần gũi với họ. Nếu lý thuyết sáo rỗng, dân không chịu nghe đâu.
Thực tế cũng có nhiều cán bộ xuống dân nhưng vẫn giữ thói quen “chỉ tay 5 ngón” hoặc phát biểu chung chung và vì thế ít nhiều dân không nghe, không hiểu. Riêng ông, có giai thoại kể rằng, để có những chất vấn nóng bóng trên nghị trường ông đã xắn tay lội ruộng, thậm chí ngồi lai rai với nông dân?
- Thực chất là phải như vậy. Có thời kỳ tôi là Uỷ viên Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang (sau đó là Phó Chủ tịch, rồi lên Chủ tịch Hội Nông dân Kiên Giang- PV), tôi hay xuống cơ sở và nhận thấy nếu không đi sâu, đi sát với dân thì họ không chia sẻ đâu.
Tôi đề nghị anh em khi xuống cơ sở phải chuẩn bị ít tiền để có chút lai rai với họ. Uống trà khó nói chuyện với dân lắm. Hoặc dân mời ăn cơm, chén rượu mà anh không uống thì nói dân khó nghe lắm. Ở đây không có lạm dụng bia rượu nhưng đối khi đó cũng là cách tiếp cận rất tốt với dân.
Đeo bám vấn đề lúa gạo
Những chất vấn của ông về tam nông nói chung là rất nhiều, từ xuất khẩu gạo, sân golf lấn ruộng, chính sách đất đai cho đồng bào Khmer... Đến thời điểm này, kết quả chất vấn nào làm ông hài lòng nhất?
- Tôi tâm đắc nhất là chất vấn thực hiện Chương trình 134. Chương trình này có 4 hợp phần, trong đó có phần hồ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Phần này Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế, tham mưu với Chính phủ để ban hành chính sách. Nhưng chính sách này lần lữa mãi mà không ra đời.
Rất nhiều lần tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và ông đều khẳng định chính sách này đang nằm trên bàn Thủ tướng. Tại kỳ họp thứ 4, tôi chất vấn lại vấn đề này. Bộ trưởng Phúc tái khẳng định chính sách đã nằm trên bàn Thủ tướng.
Tôi không đồng tình. Bộ trưởng phát biểu xong, tôi chất vấn: “Kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng nói chính sách đất sản xuất cho đồng bào đang nằm trên bàn Chính phủ, họp Hội đồng Dân tộc, rồi kỳ họp này Bộ trưởng cũng nói thế. Vậy chừng nào chính sách đó ban hành để giúp người dân?”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bổ sung: “Trả lời Đại biểu Quốc hội là trả lời cử tri, đồng bào. Nếu lúc nào cũng nói chính sách nằm trên bàn Chính phủ thì Thủ tướng đang ngồi đây ngại lắm”.
Nhắc nhở đó hay quá. Và rất mừng, khi chúng tôi về địa phương Chính phủ đã có văn bản giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào Khmer Nam bộ.
Không chỉ đất đai, vấn đề xuất khẩu gạo cũng được ông đeo bám trên nhiều kỳ họp của Quốc hội. Điều này đã giúp việc điều hành xuất khẩu gạo nhiều phần khởi sắc?
- Riêng điều hành xuất khẩu gạo, tôi đã đeo bám từ kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 7, tức khoảng 2 năm. Rất phấn khởi là tại kỳ họp mới đây nhất, Chính phủ đã nhận trách nhiệm và chỉ rõ việc giao VFA điều hành xuất khẩu gạo là chưa hợp lý theo quy định của Luật Thương mại.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ là những cơ quan tham mưu trong vấn đề này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bây giờ việc điều hành xuất khẩu đã tốt hơn, về pháp lý Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT điều hành là chính (chứ không phải là VFA).
Ngoài ra, chúng ta đã có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân, thực hiện gần 2 năm nay. Chủ trương này rất tốt, chỉ còn vướng ở giá sàn là chưa hợp lý, làm nông dân vẫn chưa có lãi 30% như quy định.
Có “tâm tư”, tôi vẫn phải nói thật
Những chất vấn của ông rất thẳng thắn, đi thẳng vấn đề và nêu rõ trách nhiệm. Vậy ông có nghĩ những chất vấn này ít nhiều làm một số thành viên Chính phủ "tâm tư"?
- Nói thật, việc tôi chất vấn có làm ai đó “tâm tư” hay không tôi không nắm được. Tôi chỉ biết, một số đồng chí Uỷ viên Thường vụ Quốc hội khi gặp tôi có động viên Danh Út chất vấn thẳng thắng như thế là tốt, cần tiếp tục phát huy. Đã nói thẳng, nói thật chắc chắn ít nhiều sẽ có đụng chạm, trong gia đình cũng vậy mà. Nhưng có đụng chạm cũng không sao, tôi phát biểu vì dân vì nước thì ngại gì. Tôi nghĩ nếu người được góp ý có giận dỗi, có “tâm tư” chưa chắc đã hay.
Thường những chất vấn thẳng thắng của ông có ai gọi điện nhắc nhở không? Có ai khuyên ông “giảm tông” khi phát biểu không?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi câu này. Nhưng đến thời điểm này, nói thật chưa có ai gọi điện hay góp ý tôi nên nói ít hoặc nói nhẹ đi. Tôi phát biểu có căn cứ, xuất phát từ thực tiễn và hoàn toàn xây dựng thì ngại gì, sau này nếu có ai nhắc tôi cũng sẽ phát biểu thẳng thắn như vậy.
Tại kỳ họp tới, ông sẽ lại chất vấn tiếp? Vấn đề gì ông sẽ lựa chọn để đưa lên nghị trường?
- Điều tôi đeo đuổi là tam nông, nên tôi sẽ lại đặt ra. Tuy nhiên, kỳ này tôi sẽ tập trung nhiều hơn về vấn đề an sinh xã hội cho nông dân, kể cả chương trình xoá đói giảm nghèo, chuẩn nghèo...
Thưa ông, những chất vấn của ông nói thật là rất dân dã, hay xoay quanh củ khoai, hạt thóc. Ông có ngại với những chất vấn với các Đại biểu quốc hội khác về những vấn đề rất vĩ mô, to tát như GDP, FDI...?
- Tôi không ngại gì hết. Đất nước này có 75% nông dân, không chất vấn về hạt thóc, củ khoai thì chất vấn điều gì? Tôi thường góp ý, xây dựng luật là phải được viết bằng tiếng phổ thông, viết tiếng Tây ai hiểu được. Đến Đại biểu quốc hội còn mệt, nông dân làm sao tiếp thu.
Đối với nông dân cái gì cũng phải cụ thể, còn những nội dung khác, vĩ mô như GDP, thu nhập bình quân đầu người, vốn đầu tư nước ngoài... thì để cho các đại biểu khác phát biểu. Tôi là đại biểu của nông dân, nên tôi phải có trách nhiệm đưa những vấn đề của nông dân lên nghị trường. Trước, sau tôi vẫn sẽ làm như thế.
Xin cảm ơn ông!
Văn Hoài (thực hiện)