Dân Việt

Cần thay đổi liên kết bốn nhà

13/10/2010 08:52 GMT+7
(Dân Việt) - Từng là Viện trưởng Viện Chăn nuôi, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ của Quốc hội, đã có những kiến nghị về việc thay đổi trong liên kết bốn nhà, nhằm giúp người nông dân.
img
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang.

Chưa được đầu tư tương xứng

Từ chỗ là một nước nhập khẩu nông sản nay chúng ta không chỉ đã đáp ứng được đủ cho nhu cầu trong nước mà còn có 7 mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới đó là gạo, cà phê, hạt điều, cao su, thủy sản...

Tổng sản lượng xuất khẩu nông sản năm 2008 đạt 16,5 tỷ USD, năm 2009 là 15,4 tỷ USD.... Để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới thì Khoa học công nghệ đã đóng góp một phần quan trọng trong giá trị sản phẩm nêu trên.

Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua của khoa học nông nghiệp cùng với các chính sách đổi mới quan trọng của Đảng và nhà nước đã góp phần đưa nông nghiệp nước ta có uy tín trên trường quốc tế, đời sống bà con nông dân được cải thiện.

Tuy nhiên, do đặc thù nghiên cứu tạo giống cây trồng, vật nuôi với quy trình chăm sóc nuôi dưỡng thích hợp đòi hỏi thời gian nghiên cứu dài và kinh phí nghiên cứu lớn, chúng ta chưa đáp ứng kịp nên chất lượng hàng hóa của chúng ta chưa ở vị trí hàng đầu thế giới.

Tổng thu nhập nông lâm nghiệp và thủy sản nước ta năm 2009 là 346,8 nghìn tỷ đồng thì kinh phí cho nghiên cứu tương ứng với thông lệ của thế giới chiếm 3% GDP sẽ là 10.404 tỷ, trong khi thực tế kinh phí cho nghiên cứu nông nghiệp cả trung ương và địa phương khoảng 1.100 tỷ mới chỉ đáp ứng được dưới 11%. Ngoài ra các phòng thí nghiệm của chúng ta còn lạc hậu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiếu và chất lượng chưa cao cũng là một trong các nguyên nhân cần phải được khắc phục.

Mô hình liên kết từ Hàn Quốc, Đài Loan

Để liên kết giữa nhà khoa học với nông dân, doanh nghiệp có hiệu quả theo tôi có thể tham khảo mô hình của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Ở Đài Loan, trung bình mỗi hộ nông dân có 0,8 ha, họ là thành viên Hợp tác xã, tự canh tác trên mảnh đất của mình theo công nghệ giống, chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của hợp tác xã. Hợp tác xã thu gom sản phẩm nông nghiệp từ nông hộ, chế biến và đưa ra thị trường theo một thương hiệu với hàng hóa đồng nhất, quy mô lớn nhờ sự liên kết của hàng trăm hộ nông dân nhỏ bé nêu trên.

Hợp tác xã có vốn, công nghệ, quy mô sản xuất cho nên khoa học tiên tiến được áp dụng, tiếp cận thị trường được xúc tiến quy mô lớn cho nên khoa học, nông dân và doanh nghiệp là một khối liên kết không thể tách biệt.

Mô hình của Hàn Quốc phần lớn là hình thành các công ty nông nghiệp trong nông thôn, công ty nông nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và hợp đồng mua sản phẩm từ các hộ nông dân để chế biến nông sản có quy mô lớn nhờ nhiều hộ nông dân liên kết với công ty theo hợp đồng. Mô hình này nhà nước hỗ trợ khuyến nông đến hộ nông dân và khuyến công đến nhà chế biến (cho công ty chế biến nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc trang thiết bị và bảo lãnh vay vốn ngân hàng).

Chúng tôi thấy cả hai mô hình đều có thể áp dụng được ở Việt Nam theo dạng liên kết 4 nhà. Mô hình của Đài Loan đòi hỏi một thời gian dài, còn mô hình của Hàn Quốc thời gian đòi hỏi ngắn hơn, nhưng rất cần sự hỗ trợ lớn của nhà nước.

Tham gia giải quyết tranh chấp đất đai

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực tam nông trên địa bản huyện miền núi Tân Châu từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, mà mía, mì (sắn), cao su là những cây chủ lực. Gắn với đó là các nhà máy chế biến đường, tinh bột mì, cao su được xây dựng trên địa bàn.

Tuy nhiên, một bộ phận nông dân còn sức lao động và số đông thanh niên trên địa bàn huyện chúng tôi đang làm trong các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo, một số chủ doanh nghiệp trốn tránh đóng bảo hiểm môi trường, bảo hiểm cho người lao động lao động.

Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, tranh chấp đất đai giữa nông dân với các Công ty, trạm trại đóng trên địa bàn đang gây bức xúc. Nông dân rất mong đợi Hội không chỉ hỗ trợ trong sản xuất, đời sống còn đòi hỏi Hội phải tham gia xử lý có trách nhiệm những vụ việc tranh chấp đất đai trong nội bộ nông dân cũng như giữa nông dân với các tập thể, đơn trên địa bàn, đồng thời. Hội phải phối hợp với tổ chức Công đoàn, ĐTNCS bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho nông dân và con em họ đang làm việc trong các xí nghiệp khi tranh chấp xẩy ra.

Phải gần và hiểu nông dân

img

Để doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, trước tiên cần phải "gần bà con nông dân" và "hiểu bà con nông dân", phải nắm bắt kịp thời được nhu cầu cũng như mong muốn của bà con nông dân. Tiếp đó, doanh nghiệp cần phải cân đối thật hợp lý giữa hiệu quả kinh doanh với lợi ích của người tiêu dùng.

Để thực hiện được điều này, ngay từ những ngày đầu hoạt động, PVFCCo đã xác định phương châm hoạt động của mình là "luôn đồng hành cùng bà con nông dân".

Trong hơn 6 năm qua, bên cạnh việc vận hành an toàn và hiệu quả, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã cung cấp hơn 4 triệu tấn Urea Phú Mỹ chất lượng cao ra thị trường. Tổng Công ty còn tham gia thực hiện nhập khẩu phân bón các loại để đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường phân bón trong nước. Tổng Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước nhằm đảm bảo cung cấp hàng tới người nông dân đúng lúc, đúng mùa vụ. Cho tới nay, chúng tôi đã thiết lập được một hệ thống phân phối bao gồm gần 3.000 đại lý và cửa hàng.

Song song với công tác bán hàng, Tổng Công ty còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bà công nông dân như tổ chức các chương trình trình diễn mô hình trên cây trồng, các hội thảo hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng phân bón hợp lý, cách chăm bón cây trồng, cách kiểm tra sản phẩm phân biệt hàng giả.

img

Cán bộ phải "đa năng"

Các cán bộ từ chi hội đến Ban chấp hành Hội nông dân xã ở Quơn Long đều nhiệt tình trong công tác và là nông dân thứ thiệt nên bàn chuyện làm ăn với nông dân rất "hợp dơ".

Trong các cuộc thi dành cho nông dân, từ văn nghệ đến làm ăn xã Quơn Long thường "rinh" những giải cao.

Bản thân tôi cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giỏi nhiều năm liền. Trong các phong trào tại địa phương, tôi vận động gia đình đi đầu tham gia.

Những cuộc thi từ cấp huyện tới tỉnh, đích thân tôi tham gia cùng nông dân nên được anh em tin tưởng lắm.

Theo tôi, Hội cấp trên cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo cán bộ hội cơ sở theo hướng "đa năng" để có thể tham gia cùng ND ở mọi lĩnh vực…

img

Tăng cường trợ giúp pháp lý

Hội nông dân lâu nay như một "bà đỡ" cho nông dân phát triển sản xuất để xoá nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Nông dân quanh năm chăm chỉ làm ăn, song hiểu biết về luật pháp của họ rất hạn chế, nên khi bị quyền lợi chính đáng bị vi phạm, hoặc chẳng may “dính” tới luật pháp thì họ không biết hỏi ai và làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nếu Hội nông dân tỉnh nào cũng có Trung tâm Trợ giúp pháp luật cho nông dân thì sẽ góp phần giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, dài ngày của nông dân.

Nông dân cần được hỗ trợ nhiều thứ lắm. Trước đây, kỹ thuật canh tác lạc hậu nên sản xuất nông nghiệp năng suất thấp, vì vậy mà nông dân khổ. Bây giờ, áp dụng KHKT, hiệu quả sản xuất tăng lên gấp nhiều lần nhưng nhìn chung nông dân vẫn là tầng lớp vất vả nhất. Điệp khúc trúng mùa rớt giá dường đã quá quen thuộc với nông dân, nhất là ở vựa nông sản chuyên xuất khẩu như ĐBSCL.
Nhà nước cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa liên kết 4 nhà để giúp nông dân nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị hàng hoá.

Hội Nông dân đã có ở thôn, ấp, bản, làng rất gần với đời sống, sản xuất của nông dân. Cần thiết phải tăng cường hơn nữa quyền và nghĩa vụ của cán bộ Hội cơ sở, sao cho cán bộ Hội ở cơ sở thực sự là "thủ lĩnh" giỏi.