Dân Việt

Giải bài toán tăng sản lượng lương thực

03/08/2012 08:57 GMT+7
(Dân Việt) - Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam, hàng năm nước ta phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn ngô để làm nguyên liệu sản xuất TACN. Do đó, việc phát triển cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) để giải bài toán tăng sản lượng là rất cần thiết.

Nhu cầu lương thực ngày càng lớn

Hiện nay dân số thế giới đã lên tới 7 tỷ người, dự báo đến năm 2050 dân số toàn cầu sẽ là 9 tỷ. Trong khí đó diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm mạnh, đồng thời nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng lớn. Vì thế, để gia tăng sản lượng lương thực, đảm bảo an ninh lương thực, các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra 3 giải pháp chủ yếu, đó là các giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác và ứng dụng cây trồng CNSH.

img
Một ruộng ngô chuyển gen được Syngenta trồng khảo nghiệm tại huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nước ta mới chỉ chủ động được 30% nguyên liệu sản xuất TACN, 70% lượng nguyên liệu còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu và xu thế này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Do đó, nhiều nhà khoa học đã khẳng định, việc phát triển cây trồng CNSH, trước mắt là đối với cây ngô và đậu tương ở Việt Nam là một giải pháp rất cần thiết để giảm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, giữ vững ổn định lương thực trong nước, đặc biệt tránh được các biến động về giá cả trên thị trường thế giới.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết: “Suốt từ năm 2000 đến nay, nước ta liên tục phải nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất TACN. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2011, chúng ta đã phải chi một khoản ngoại tệ gần 3,7 tỷ USD để nhập khẩu gần 9 triệu tấn TACN các loại trên tổng sản lượng 11,5 triệu tấn TACN và 2,8 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Những loại nguyên liệu nhập nhiều phải kể tới 2,7 triệu tấn khô dầu đậu tương, khoảng 1 triệu tấn ngô, cùng với lúa mạch, cám mạch, lúa mì…”.

“Tôi khẳng định, TACN của chúng ta là từ sản phẩm của cây trồng CNSH và được sử dụng từ nhiều năm nay, có ai sao đâu. Đây là thành tựu khoa học của nhân loại, chúng ta đã sử dụng bao lâu nay và thế giới cũng đã sử dụng thì tại sao chúng ta cứ phải ngồi bàn cãi mãi về độ an toàn nữa” - ông Lịch nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương- Phaó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện chẳng có sản phẩm nào ghi nhãn, nên không thể khẳng định được có sản phẩm của cây trồng CNSH đã nhập vào nước ta hay chưa”. Còn theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng- Tổng Thư ký Hội Sinh học Việt Nam, dù muốn hay không Việt Nam cũng đang sử dụng sản phẩm từ cây trồng CNSH.

Giải pháp tất yếu

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng TACN và nguyên liệu chế biến TACN 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1 tỷ USD, đây là mặt hàng có giá trị kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng liên quan đến nông lâm thủy sản. Trong đó, ngô và đậu tương là 2 loại nguyên liệu nhập khẩu lớn nhất. Còn theo Tổng cục Hải quan, lượng ngô nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2012 đạt 724.000 tấn, tiêu tốn 224 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và 27,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2011. Nhập khẩu đậu tương từ đầu năm đến hết 31.5.2012 là 598.600 tấn, tiêu tốn 333 triệu USD, tăng 68,8% về lượng và 63,1% về giá trị so với 5 tháng đầu năm 2011.

Hiệp hội TACN Việt Nam cho rằng, các năm trước đây, ngô nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ. Trong tổng số 1,75 triệu tấn ngô nhập khẩu năm 2010, bao gồm: 1,1 triệu tấn ngô từ Mỹ; 476.000 tấn từ Ấn Độ; 180.000 tấn từ Brazil; 273.000 tấn từ Thái Lan; 635.000 tấn từ Argentina… Trong tổng khối lượng từ 1-1,8 triệu tấn ngô mà Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm, có hơn 80% là ngô chuyển gen, do nguồn ngô nhập khẩu của Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Argentina đều là ngô chuyển gen.

Theo TS Cliver James -Chủ tịch Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA): “Năm 2011, diện tích canh tác cây trồng CNSH là 160 triệu ha, tăng 12 triệu ha so với năm 2010. Trong đó nhiều nhất là Mỹ (69 triệu ha), Brazil (30,3 triệu ha), Argentina (23,7 triệu ha), Ấn Độ (10,6 triệu ha), Canada (10,4 triệu ha)... Đậu tương vẫn là giống cây được trồng nhiều nhất, chiếm 53% diện tích đất trồng cây CNSH trên toàn cầu. Ấn Độ cũng là nước có số lượng người tham gia trồng cây CNSH nhiều nhất thế giới.

Về canh tác, theo thống kê, hiện diện tích cây đậu tương của nước ta đạt khoảng 250.000-300.000ha với tổng sản lượng đạt 250.000 đến 300.000 tấn/năm, hiện chưa đủ cung cấp cho ngành chế biến đậu phụ, chưa nói tới cung cấp cho sản xuất TACN. Theo đánh giá, năng suất trung bình canh tác của loại cây trồng này cũng chỉ đạt trung bình từ 1,2-1,5 triệu tấn/ha. Trong khi, các nước cho phép trồng cây CNSH đạt năng suất khoảng 3,5-4 triệu tấn/ha. Tương tự, đối với cây ngô, hiện quỹ đất của nước ta có khoảng 1 triệu ha với tổng sản lượng mỗi năm đạt 4-4,5 triệu tấn và năng suất trung bình đạt khoảng 4- 4,5 tấn/ha. Trong khi đó, các nước sử dụng giống cây trồng CNSH như Mỹ, Argentina… đạt năng suất trung bình gấp đôi từ 9-11 tấn/ha.

Cho dù nhu cầu lương thực để sản xuất TACN ngày càng tăng lên, song trong quy hoạch sử dụng quỹ đất nông nghiệp đến năm 2020 đã được phê duyệt, không hề có quỹ đất dành cho trồng nguyên liệu TACN và đất trang trại dành cho chăn nuôi. Mặt khác, theo Quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2020 cũng không hề đề cập đến việc bố trí cây trồng để tự túc nguyên liệu TACN trong nước. Trong khi đó, theo tính toán, tới năm 2020 nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất TACN của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi như hiện tại, tức là khoảng 18- 20 triệu tấn/năm. Đây là một áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Phải công khai số liệu khảo nghiệm

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, quan điểm của Bộ là, tất cả các việc làm đều công khai minh bạch. Vì vậy, phải công bố tất cả các báo cáo, các kết quả nghiên cứu về kết quả khảo nghiệm cây trồng CNSH. Mọi số liệu đều phải công khai, toàn bộ báo cáo chi tiết sẽ được đưa lên mạng để lấy ý kiến của toàn xã hội. Sau khi thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhà khoa học, Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NNPTNT sẽ chính thức có kết luận về việc công nhận các giống ngô chuyển gen ở Việt Nam và toàn bộ kết quả sẽ chuyển sang Bộ TNMT xem xét.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa công bố Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) đối với sinh vật biến đổi gen. Theo dự thảo Thông tư, chỉ có các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen trong điều kiện của Việt Nam và kết quả khảo nghiệm đã được Bộ NNPTNT công nhận đạt yêu cầu, mới được lập hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận ATSH.

Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký, cơ quan thường trực thẩm định thông báo về việc chấp nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Trên cơ sở đó,Tổng cục Môi trường sẽ ra quyết định thành lập Tổ chuyên gia để tiến hành thẩm định từng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận ATSH. Sau khi có kết quả thẩm định của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ TNMT xem xét cấp giấy chứng nhận ATSH cho sinh vật biến đổi gen được đăng ký. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận ATSH, Bộ TNMT thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, gửi đến tổ chức, cá nhân đăng ký.