Những năm gần đây, cây ngô ở vùng núi phía Bắc chủ yếu được sản xuất trên đất đồi, núi có độ dốc lớn cùng với tập quán canh tác truyền thống của bà con như dọn sạch và đốt sạch trước khi gieo trồng đã làm cho mặt đất bị bóc trần, lượng đất mặt giàu chất hữu cơ bị xói mòn và rửa trôi mạnh, đất thoái hóa ngày càng nghiêm trọng...
Điều đó đã dẫn đến năng suất ngô rất thấp (bình quân 28 tạ/ha), chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Giải pháp canh tác ngô bền vững trên đất dốc đã làm tăng năng suất ngô cho người dân. |
Trước yêu cầu đó, thạc sĩ Nguyễn Quang Tin- Trưởng Bộ môn Khoa học đất và sinh thái vùng cao, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI), thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật và thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngô và đậu tương hàng hóa tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” tại 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La và Cao Bằng.
Đề tài này được nghiên cứu dựa trên các phương pháp, đó là: Che phủ đất bằng vật liệu hữu cơ (tàn dư thực vật), tạo tiểu bậc thang và trồng xen các loại cây trồng họ đậu, họ cỏ trên diện tích đất có độ dốc lớn (> 20 độ), kết hợp với bón phân cân đối, hợp lý. Kết quả sau 3 năm triển khai cho thấy: Năng suất ngô trên diện tích đất sử dụng biện pháp che phủ tăng 30 - 60% so với diện tích đất không che phủ. Kỹ thuật trồng xen những loại cây họ đậu, như đậu tương, lạc, đậu mèo, cỏ Stylo, cỏ Ruzi, lạc lưu niên, muồng lá tròn kép... đã giảm xói mòn của đất từ 71 - 86,9%, năng suất tăng từ 59 - 125% so với không trồng xen.
Ông Lò Văn Chiến - đại diện các hộ nông dân đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác ngô trên đất dốc cho biết: “Từ khi áp dụng quy trình kỹ thuật mới do cán bộ khoa học hướng dẫn, năng suất ngô của tôi đã cao hơn gấp 2 lần, đất đai cũng được bảo vệ không bị xói mòn và khô cằn như trước”.
Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: “Huyện Văn Chấn là huyện miền núi, địa hình phức tạp, ruộng đất bình quân chỉ được 200m2/đầu người. Do vậy, việc khai thác sử dụng đất đồi núi để canh tác sản xuất lương thực là xu thế tất yếu. Song đất đai đồi núi lại có độ dốc cao từ 15 - 20 độ, thậm chí còn cao hơn nữa”.
TS Nguyễn Hữu La- Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: "Viện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, khuyến khích và vận động địa phương chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa nương năng suất thấp sang canh tác ngô 2 vụ/năm, góp phần nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất”.
Trần An Như