Dân Việt

Lập hợp tác xã sau học nghề

04/08/2012 15:46 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 3 tháng học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn, nông dân huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã thành lập HTX nuôi trồng nấm ngay tại địa phương.

Nhằm giúp nông dân (ND) học đúng nghề họ đang cần, Phòng LĐTBXH, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Đăk Hà đã khảo sát nhu cầu học nghề của ND để tổ chức dạy theo nhu cầu học viên đăng ký.

img
Nấm linh chi được trồng thử nghiệm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Đăk Hà.

Học đến đâu thực hành đến đó

Từ năm 2011 đến nay, TTDN huyện Đăk Hà đã mở 21 lớp dạy nghề cho 735 ND, trong đó 482 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghề Trung tâm dạy là: trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng nấm, cạo mủ cao su, thu hái và pha chế cà phê…

Ông Hà Văn Cường - Phó Giám đốc TTDN huyện Đăk Hà cho biết: "Ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, thu nhập chính của ND là từ cà phê, cao su, hồ tiêu… Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng theo kiểu tay quen, học hỏi kinh nghệm của nhau. Qua khảo sát, chúng tôi thấy ND thiếu kiến thức khoa học trồng cây công nghiệp".

Chị Trần Thị Hà (tổ 12 xã Đăk Pờ Xy) cho hay: "Sau khi tham gia lớp học nghề miễn phí trồng cây công nghiệp do TTDN huyện Đăk Hà tổ chức, tôi đã biết chọn cây giống tốt, biết kỹ thuật trồng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và cạo mủ đúng thời điểm để có thành phẩm cao... Có kiến thức rồi, tới đây gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cao su".

Cũng như chị Hà, anh Vũ Văn Minh - học viên lớp kỹ thuật trồng nấm chia sẻ: "Gia đình tôi trồng nấm mộc, nấm sò chủ yếu phục vụ gia đình. Biết là trồng nấm hiệu quả cao nhưng tôi không dám làm, phần vì không có vốn, phần không có kiến thức nên sợ rủi ro. Sau khóa học này, tôi sẽ đầu tư trồng nấm bán".

Theo ông Cường, trong công tác dạy nghề cho ND, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phương pháp của TTDN là "cầm tay chỉ việc". Đăk Hà là huyện có diện tích trồng cây công nghiệp lớn nhất tỉnh Kon Tum nên học viên có điều kiện học đến đâu thực hành đến đó, khi kết thúc khóa học họ có thể áp dụng được ngay.

Tự tin lập hợp tác xã

Lớp dạy kỹ thuật trồng nấm có 35 học viên. Lớp học kéo dài trong 3 tháng. Chị Trần Thị Diễm Hằng - Chủ nhiệm HTX trồng nấm ở thị trấn Đăk Hà cho biết: "Học xong, có kiến thức bài bản trong tay, chúng tôi tập hợp nhau thành lập HTX nuôi trồng nấm với mong muốn không chỉ phục vụ nhu cầu địa phương mà còn để bán cho các tỉnh lân cận".

"Khó khăn nhất hiện nay trong dạy nghề cho nông dân là học viên đi học không đều. Chúng tôi sẽ khảo sát và sắp xếp lịch học tránh những ngày mùa vụ để học viên có điều kiện tham gia học tốt nhất".

HTX trồng nấm huyện Đăk Hà thành lập tháng 6.2011, gồm 5 thành viên. Chị Hằng cho biết: “Để làm một cách bài bản và tránh rủi ro, chúng tôi phối hợp cùng TTDN huyện Đăk Hà trồng nấm giống tại Trung tâm, sau đó HTX nhận con giống giao cho xã viên sản xuất. Hiện Trung tâm đã trồng được 6.000 bịch nấm tai mèo, 1.000 bịch nấm sò và 600 bịch nấm linh chi. Giá bán nấm linh chi trên thị trường là 800.000 đồng/kg, nấm bào ngư 25.000 đồng/kg”.

Chia sẻ về thành công ban đầu, anh Vũ Văn Minh - thành viên HTX nuôi trồng nấm huyện Đăk Hà nói: "HTX chúng tôi đang xúc tiến đưa giống từ TTDN huyện về cơ sở để đi vào sản xuất tập trung. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm".